Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dấu ấn du lịch Ninh Bình: Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực
Đó là mục tiêu đến năm 2045 trong Đề án Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045 đã được UBND tỉnh Ninh Bình ban hành tại Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 30/11/2021.
Đền vua Đinh Tiên Hoàng
Đền vua Đinh Tiên Hoàng

Phát triển 3 khu, 3 tuyến, 1 trung tâm

Công cuộc phát triển du lịch tỉnh được Ninh Bình xác định theo 7 định hướng chính gồm Định vị thương hiệu du lịch tỉnh Ninh Bình; Định hướng phát triển thị trường; Định hướng sản phẩm du lịch; Định hướng phát triển các phân khu, tuyến, trung tâm dịch vụ du lịch; Định hướng bảo tồn di tích lịch sử, di sản văn hóa và thiên nhiên; Định hướng về chất lượng dịch vụ - nguồn nhân lực; Định hướng về môi trường du lịch

Trong đó, một trong những định hướng trọng tâm được Ninh Bình đề ra là tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển “3 khu, 3 tuyến, 1 trung tâm dịch vụ du lịch”.

Tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển 3 điểm nhấn chính mang tính đột phá chiến lược của du lịch tỉnh Ninh Bình. Đó là Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Tổ hợp nghỉ dưỡng du lịch Kênh Gà - Vân Trình. Các khu du lịch nghỉ dưỡng tại Cúc Phương, Vân Long, vùng ven biển Kim Sơn.

Các điểm nhấn chính này sẽ trở thành đầu tàu, động lực thu hút khách, định vị hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Ninh Bình đồng thời từng bước mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm trên cơ sở lan tỏa tới các không gian du lịch còn lại, tạo nên các tuyến du lịch đan xen và liên kết trong tỉnh và liên vùng.

Xây dựng và phát triển 3 tuyến du lịch then chốt có tính chất kết nối chiến lược và đặc trưng: Tuyến du lịch tâm linh độc đáo hành trình con đường di sản: Quần thể Danh thắng Tràng An - Cố đô Hoa Lư - Động Am Tiên - Khu tâm linh núi chùa Bái Đính - Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) - chùa Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Hương và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Các tuyến du lịch du thuyền bằng đường thủy: Tuyến đường thủy kết nối TP. Ninh Bình với khu du lịch sinh thái Tràng An qua sông Sào Khê, công viên văn hóa Tràng An; Tuyến du thuyền từ thành phố Ninh Bình đến Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình qua sông Đáy và sông Hoàng Long.

Tăng cường quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá - liên kết phát triển du lịch. 

Tuyến du lịch liên vùng hành trình di sản kinh đô Việt cổ: Đền Hùng (Phú Thọ) - Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) - cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) - Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An) - cố đô Huế (Thừa Thiên Huế).

Phát triển 1 trung tâm dịch vụ du lịch chính tại TP. Ninh Bình với các tuyến, phố du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng, dịch vụ cao cấp, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, du thuyền trên sông; xây dựng các tuyến phố mua sắm đặc trưng, nâng cấp, phát triển các tuyến phố đi bộ, phát triển kinh tế ban đêm. Đầu tư trở thành tâm điểm đón tiếp, phân phối khách, tập trung lưu trú, lữ hành, dịch vụ MICE, giải trí, ẩm thực, mua sắm…và hệ thống dịch vụ bổ sung kết nối với các điểm du lịch vệ tinh trên địa bàn toàn tỉnh.

Động Am Tiên - Tuyệt tình cốc của Ninh Bình
Động Am Tiên - Tuyệt tình cốc của Ninh Bình

Du lịch xanh, bền vững

Ngành du lịch Ninh Bình cũng đã có các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu hiện thực hoá mục tiêu trên. Trong đó đề cao quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững. Tập trung thực hiện Quy hoạch công viên Động vật hoang dã Quốc gia Ninh Bình; Quy hoạch phân khu các khu vực trong khu di sản Tràng An; Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Lập, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng các khu du lịch Vân Long, Cúc Phương, hồ Đồng Thái - động Mã Tiên. Quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ nghiêm các khu vực có giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo tiềm năng phát triển du lịch (núi đá vôi, hang động, sông, hồ...).

Nghiên cứu xây dựng quy hoạch bảo tồn, phục dựng không gian văn hóa kinh đô Hoa Lư xưa tại khu vực xã Trường Yên và vùng phụ cận; Không gian văn hóa khu vực sông Bôi, sông Hoàng Long (liên quan đến giai đoạn lịch sử; Quy hoạch phát triển không gian văn hóa làng nghề truyền thống thôn Văn Lâm gắn với hành cung Vũ Lâm.

Xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch phát triển: Kế hoạch Đề án marketing tổng thể du lịch Ninh Bình; phát triển kinh tế du lịch ban đêm tại Ninh Bình; phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Ninh Bình; xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình; chuyển đổi số ngành Du lịch theo giai đoạn; tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ du lịch; Đề án chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đảm bảo môi trường an toàn, văn minh phục vụ phát triển ngành Du lịch của tỉnh giai đoạn 2021-2026.

Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Huy động nguồn lực xây dựng tuyến đường Đông - Tây từ Kim Sơn đến Nho Quan và tuyến đường Kim Sơn - Cồn Nổi, Bái Đính - Ba Sao để kết nối các khu du lịch từ đảo Cồn Nổi (Kim Sơn) đến hồ Đồng Thái, hồ Yên Thắng (Yên Mô) đến công viên động vật hoang dã, rừng quốc gia Cúc Phương (Nho Quan), tạo điều kiện khai thác các khu du lịch sẵn có và xây dựng các khu du lịch tiềm năng trên. Đầu tư xây dựng hệ thống các cầu nước, cầu vượt đường bộ và bến thuyền du lịch trên tuyến đường thủy nối Công viên văn hóa Tràng An với TP. Ninh Bình và sông Đáy. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến đường chính vào khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình.

Tập trung hoàn thành đầu tư, nâng cấp và khai thác hiệu quả các dự án du lịch: Dự án Khu du lịch sinh thái Tràng An, Dự án Công viên văn hóa Tràng An, Dự án Khu du lịch Kênh Gà, chùa Bái Đính; Dự án Khu Tam Cốc - Bích Động; dự án khu du lịch hồ Đồng Chương; dự án bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; dự án Công viên động vật hoang dã Quốc gia…

Nghiên cứu xây dựng các tuyến giao thông kết nối các khu du lịch, điểm du lịch chính của tỉnh Ninh Bình, xây dựng khu vực đón tiếp, bến thuyền, khu dịch vụ, trung tâm thông tin du lịch, hệ thống xử lý rác, nước thải, hệ thống điện, nước, bãi đỗ xe, công viên, cây xanh...Nạo vét, công bố luồng các tuyến đường thủy tại các khu du lịch Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vân Long, hồ Đồng Thái...

Nghiên cứu, lập quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển du lịch vùng ven biển Kim Sơn gắn với Giao Thuỷ (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình) vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Cải thiện hạ tầng kỹ thuật số, hạ tầng du lịch thông minh. Ưu tiên xây dựng, phát triển khả năng truy cập internet tốc độ cao tại các khu du lịch, điểm du lịch và khu vực trung tâm thành phố Ninh Bình; phát triển thẻ du lịch thông minh.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển kinh tế ban đêm. Tập trung vào các nhóm sản phẩm hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, xây dựng các không gian trưng bày giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử kinh đô Hoa Lư và nhà nước Đại Cồ Việt, không gian trưng bày giới thiệu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An,…

Đầu tư phát triển các hoạt động nhằm khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, các lễ hội dân gian truyền thống, làng nghề, ẩm thực, các loại hình nghệ thuật...

Tổ chức các chương trình du lịch vào ban đêm như tham quan các điểm văn hóa, di tích lịch sử (Tràng An, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, núi chùa Non Nước, công viên văn hóa Tràng An, hồ Kỳ Lân, khu Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế...), khám phá, trải nghiệm văn hóa địa phương, xem biểu diễn nghệ thuật...

Tăng cường quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá - liên kết phát triển du lịch. Liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch.

Đẩy mạnh hợp tác liên kết với Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa - TP.HCM; mở rộng hợp tác với Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ… để kết nối phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Tất cả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư; xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

Đến năm 2045, phấn đấu Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% GRDP của tỉnh.

Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027
Ngày 26/10, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư