Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dấu chấm hết cho Dự án BOT Quốc lộ 30
Anh Minh - 16/12/2017 08:31
 
Sau 3 năm triển khai, Dự án BOT Quốc lộ 30 nối hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đã hội đủ những điều kiện để dừng cuộc chơi đầy trắc trở.
TIN LIÊN QUAN

Lần đầu dừng dự án BOT

Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vẫn chưa chính thức phát văn bản gửi nhà đầu tư - Công ty TNHH BOT Quốc lộ 30 Tiền Giang - Đồng Tháp để thông báo dừng việc thực hiện hợp đồng, nhưng số phận của Dự án BOT Quốc lộ 30, đoạn An Hữu -  TP. Cao Lãnh dường như đã được định đoạt.

Cụ thể, ngày 6/12, trong Văn bản số 13766/BGTVT – KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, đã thống nhất với đề xuất của UBND, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về việc cần nghiên cứu lại việc tiếp tục triển khai Dự án BOT đầu tư Quốc lộ 30 đoạn An Hữu - TP. Cao Lãnh.

Vì nhiều lý do, Dự án BOT Quốc lộ 30 đoạn An Hữu - Cao Lãnh sẽ phải chuyển đổi hình thức đầu tư.
Vì nhiều lý do, Dự án BOT Quốc lộ 30 đoạn An Hữu - Cao Lãnh sẽ phải chuyển đổi hình thức đầu tư.

“Bộ GTVT đã giao các cơ quan liên quan thực hiện rà soát các điều khoản liên quan quy định tại hợp đồng, làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đề xuất phương án xử lý cụ thể theo hướng dừng triển khai đầu tư theo hình thức BOT”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định.

Lý do đầu tiên khiến Bộ GTVT quyết định dừng và chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 30 đoạn An Hữu - Cao Lãnh là do dự án này không đáp được tiến độ yêu cầu của hợp đồng, dù trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT đã phải thay thế nhà đầu tư, nhưng kết quả cũng không tiến triển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo rà soát lại việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông trên các tuyến đường hiện hữu. Đồng thời, ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ - UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư BOT; trong đó có quy định, đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu.

“Ngoài ra, việc tiếp tục triển khai đầu tư Dự án theo quy mô bề rộng mặt đường 11 m trên nền đường 12 m cũng sẽ không đáp ứng được nhu cầu giao thông trong tương lai; khi triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, cũng như gây ra bức xúc cho người dân khi triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”, Thứ trưởng Nhật thông tin.

Trước đó, trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận lại tuyến đường này để duy tu, sửa chữa bảo an toàn giao thông, đồng thời sẽ nghiên cứu đầu tư tuyến đường mới An Hữu - Cao Lãnh song song với Quốc lộ 30 hiện hữu theo đúng quy hoạch để kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.

Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên, Bộ GTVT phải “phanh gấp” một dự án BOT cải tạo, nâng cấp tuyến đường hiện hữu đang triển khai thi công, để xây dựng tuyến đường song hành hoàn toàn mới.

Dự án rùa bò

Được biết, Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 30 có điểm đầu tại Km 1+200 (kết nối với Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) thuộc địa phận huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang); điểm cuối tại Km 34+230, thuộc địa phận TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Tổng chiều dài tuyến là 32,8 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Tiền Giang dài 6,8 km, đoạn chạy qua tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 26 km.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.130 tỷ đồng này được khởi công vào tháng 5/2015; dự kiến thời gian thi công đến hết tháng 12/2016. Tuy nhiên, do không thể ký được hợp đồng tín dụng với nhà tài trợ, nên Bộ GTVT đã buộc phải nới thời gian hoàn thành là cuối năm 2018, đồng thời, thay thế một thành viên trong liên danh nhà đầu tư ban đầu (Công ty cổ phần Phương Nam thế chỗ cho Công ty cổ phần Đầu tư T&T).

Trước đó, vào tháng 10/2017, quá sốt ruột với tiến độ chậm trễ, Bộ GTVT đã phải phát văn bản hỏa tốc tới nhà đầu tư là Công ty TNHH BOT Quốc lộ 30 Tiền Giang - Đồng Tháp và doanh nghiệp dự án là liên danh Công ty cổ phần đầu tư Phương Nam và Công ty TNHH xây dựng hạ tầng Phú Mỹ để thông báo việc vi phạm Hợp đồng BOT.

Cụ thể, Bộ GTVT khẳng định, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã vi phạm khoản 14.2, Điều 14 và Điều 68 Hợp đồng BOT khi chưa tuân thủ quy định liên quan công tác báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng tín dụng và sử dụng vốn chủ sở hữu theo yêu cầu dự án.

Bộ GTVT giao đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ban Quản lý dự án 7 đôn đốc, kiểm tra báo cáo kết quả khắc phục của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đảm bảo tuân thủ quy định hợp đồng.

“Trường hợp nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án không thực hiện, Ban Quản lý dự án 7 phải sớm đề xuất các thủ tục xử lý chấm dứt hợp đồng theo quy định”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chỉ đạo.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án hồi cuối tháng 8/2017, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã yêu cầu nhà đầu tư đàm phán ký hợp đồng tín dụng chính thức với ngân hàng chậm nhất là ngày 20/9/2017.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu việc sử dụng vốn chủ sở hữu phải có sự giám sát của ngân hàng cho vay; báo cáo và cung cấp tài liệu liên quan cho Ban Quản lý dự án 7 để thực hiện nhiệm vụ giám sát doanh nghiệp dự án theo quy định.

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án 7, tới thời điểm cuối tháng 9/2017, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng và cũng không có báo cáo nguyên nhân tồn tại, vướng mắc trong việc ký kết hợp đồng tín dụng.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án 7 đã nhiều lần yêu cầu Công ty TNHH BOT Quốc lộ 30 Tiền Giang -  Đồng Tháp báo cáo tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu, nhưng đơn vị này báo cáo sơ sài, rất chậm so với thời gian quy định bao gồm chứng từ và bản sao kê sổ phụ. Đây là lý do khiến Ban Quản lý dự án 7 không thể thực hiện việc giám sát quản lý sử dụng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án 7 và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phối hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiểm tra xác định cụ thể phần việc, chi phí thực tế triển khai tại hiện trường và các chi phí hợp pháp khác theo quy định, ký biên bản thống nhất với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Đồng thời, giao Ban Quản lý dự án 7 khẩn trương nghiên cứu phương án xử lý đối với Thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng Dự án do Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam - chi nhánh Gia Định phát hành bảo đảm nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng của nhà đầu tư.

“Ban Quản lý dự án 7 chủ trì, phối hợp Vụ Đối tác công - tư thực hiện rà soát các điều khoản liên quan quy định tại hợp đồng, làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về phương án bồi hoàn kinh phí tương ứng khối lượng đã thực hiện theo quy định”, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư