Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đấu giá băng tần 5G: “Bài toán” đầu tư và quản trị hiệu quả
Hữu Tuấn - 07/01/2024 07:49
 
Dự kiến, ngay trong tháng 1/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đấu giá băng tần dành cho 5G. Các doanh nghiệp cũng đang tính toán phương án đầu tư và lộ trình phát triển phù hợp, hiệu quả.

Chốt kế hoạch đấu giá băng tần

“Năm 2024 là năm thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Nếu 4 năm trước mà triển khai 5G, thì thiết bị rất đắt, có làm thì cũng chỉ nên phủ sóng 20 - 30% ở các thành phố. Nhưng nay, sau 4 năm, giá thiết bị chỉ còn 1/4, vậy nên, vẫn với số tiền ấy, chúng ta có thể phủ sóng 100%”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Theo kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đấu giá  băng tần 2600/3700 MHz cho Hệ thống Thông tin di động mặt đất công cộng.

Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ sẽ đấu giá băng tần tầm trung cho 5G trước, bởi trong giai đoạn đầu triển khai 5G, băng tần tầm trung là băng tần quan trọng nhất, giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho 4G. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã quy hoạch các băng tần khác, như băng tần thấp 700 MHZ, băng tần cao 26 GHZ để xem xét cấp phép cho 5G trong tương lai. 

“Dự kiến, trong tháng 1/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố phương án tổ chức đấu giá để các doanh nghiệp tham gia. Dự kiến, công tác đấu giá sẽ kết thúc vào tháng 3/2024”, bà Hiền thông tin.

Liên quan vấn đề đầu tư 5G, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng, Phòng Công nghệ dịch vụ (Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, bên cạnh việc trúng đấu giá, nhà mạng cần nhiều điều kiện để cấp phép 5G. Ví dụ, điều kiện vốn đầu tư trong 3 năm đầu là 1.500 - 2.500 tỷ đồng, điều kiện tiếp cận hạ tầng...

Áp lực với doanh nghiệp

Đề cập kế hoạch đầu tư hạ tầng 5G, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng ban Ban Công nghệ, Tập đoàn VNPT cho biết, thách thức trước mắt là các bài toán về đầu tư, mở rộng hạ tầng, năng lực hạ tầng số. Với doanh nghiệp nhà nước như VNPT, phải đảm bảo, cân đối các chỉ số tài chính ở những năm đầu triển khai, khi có dịch vụ, khách hàng, mô hình kinh doanh mới.

“Chúng tôi gặp phải vấn đề do đang triển khai cùng lúc cả 2G, 3G, 4G, 5G với các bài toán về tài nguyên tần số, không gian triển khai thiết bị trên các cột anten, nguồn điện…”, ông Khánh nói.

Với MobiFone, mục tiêu cũng là đáp ứng tối đa các tiêu chí để có được giấy phép 5G. Theo chia sẻ của ông Lê Mai Sơn, Phó trưởng ban Ban Truyền thông (MobiFone), sau khi có kế hoạch đấu giá băng tần, MobiFone xây dựng ngay phương án đấu giá, quy hoạch lộ trình phát triển, phủ sóng 5G để có bước đi phù hợp. 

Chuẩn bị cho 5G từ sớm, Viettel cũng đã sẵn sàng triển khai đấu giá tần số 5G. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom khẳng định, đây là thời điểm chín muồi cho việc đấu giá tần số để thương mại hóa 5G. Theo kế hoạch, Viettel sẽ lựa chọn khu vực có nhu cầu cao, có máy hỗ trợ 5G để ưu tiên triển khai trước, tiếp đó là các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm đổi mới sáng tạo, biến nhà máy có dây thành không dây.

“Đội ngũ nghiên cứu của Viettel cơ bản tự chủ động sản xuất được từ thiết bị vô tuyến, mạng lõi, truyền dẫn…, chỉ chờ giấy phép để triển khai”, ông Sơn khẳng định.

Việc triển khai đấu giá tần số được kỳ vọng sẽ minh bạch hóa quy trình cấp phép tần số quý hiếm, tăng nguồn thu cho ngân sách từ tiền sử dụng tài nguyên. Trong đó, quan trọng nhất là minh bạch quy trình để cấp phép cho những doanh nghiệp đủ năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên quý hiếm này, đảm bảo cho thị trường thông tin di động phát triển tốt, cạnh tranh lành mạnh.

Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng thư ký Hội Vô tuyến điện tử cho rằng, thời điểm thương mại hóa 5G vào năm 2024 là rất phù hợp, không sớm, nhưng cũng không quá muộn. Theo ông Hoan, nên quy hoạch để có 3 - 4 khối tần số ở mỗi đoạn băng tần (thấp, trung bình, cao) và việc đấu giá nên thực hiện đồng thời cho các khối trong mỗi đoạn băng tần, để các doanh nghiệp lớn có cơ hội và điều kiện cạnh tranh bình đẳng.

“Làm như vậy cũng tránh được việc đẩy giá tần số lên quá cao (nếu đấu giá và cấp phép 1 khối tần số 5G trong khi các khối khác chưa sẵn sàng). Thế giới đã có bài học về giá tần số khi đấu giá tần số 3G đầu những năm 2000. Nhiều nhà mạng không còn khả năng đầu tư mạng lưới sau khi thắng đấu giá tần số”, ông Hoan nêu ví dụ.

Nhấn mạnh, đầu tư cho 5G cần nguồn lực rất lớn, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ với các nhà mạng chưa quyết tâm thương mại hóa 5G vì lý do đầu tư, trong khi doanh thu từ viễn thông truyền thống đang đi xuống và cũng không dễ tăng giá cước dịch vụ.

“Vấn đề triển khai không phải ở công nghệ, mà nằm ở bài toán kinh doanh và quản trị hệ 5G sao cho hiệu quả”, TS. Mai Liêm Trực lưu ý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư