Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 01 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư 256.000 tỷ đồng phát triển văn hóa: Lo địa phương không có ngân sách đối ứng
T.L - 01/11/2024 16:02
 
Ngày 1/11, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, với tổng nguồn lực 256.250 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương góp gần 25%.

Địa phương phải bố trí gần 25% nguồn lực 

Theo tờ trình của Chính phủ, nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, các nguồn lực thực hiện giai đoạn  2025-2030 (dự kiến là 122.250 tỷ đồng) sẽ huy động từ các nguồn: ngân sách trung ương bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng, chiếm 63%; vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng, chiếm 24,7%; vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng, chiếm 12,3%.

Nguồn lực thực hiện giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.  

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Trình bày tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Chính phủ định hướng đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ Trung tâm Văn hóa Thể thao, Bảo tàng, Thư viện. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Mỗi năm, ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đến năm 2035, ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp 8% vào GDP của cả nước. 100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Khi Chương trình được thông qua, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng khung chính sách và chuẩn bị đầu tư trong năm 2025. Giai đoạn 2026-2030, các cơ quan sẽ giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra. Giai đoạn thứ 2031-2035, văn hóa sẽ trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư chương trình cũng như sự cần thiết của việc xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.   

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ xem xét tính phù hợp của một số mục tiêu cụ thể như:  đến năm 2030, 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; có 100% học sinh, học viên, sinh viên được tiếp cận, tham gia giáo dục nghệ thuật, di sản văn hóa…  

Băn khoăn về nguồn lực và việc đầu tư trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài

Phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn về nguồn kinh phí để triển khai chương trình cũng như tính khả thi của việc đầu tư, xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng, nguồn lực tài chính là yếu tố quyết định thành công của chương trình. Tổng kinh phí của cả chương trình là không nhỏ (hơn 256.000 tỷ đồng), do đó cần rà soát, đánh giá khả năng huy động tài chính, khả năng bố trí tài chính và việc giải ngân vốn, nhất là trong năm 2025 dự kiến sẽ bố trí, thực hiện hoàn thành gói 400 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ chế, xây dựng các văn bản hướng dẫn, xây dựng các kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng và kể cả công tác chuẩn bị đầu tư.

Riêng với việc đầu tư một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài - ngoài phạm vi của Luật Đầu tư công thì cần xây dựng cơ chế đặc thù. Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung quy định cơ chế triển khai thực hiện dự án trung tâm nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.

Cũng liên quan đến ngân sách, đại biểu biểu Trình Lam Sinh (An Giang) tỏ ra lo lắng khi hiện nay vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có nguồn thu chưa đủ cân đối, còn nhận hỗ trợ ngân sách trung ương từ 50% trở lên nên rất khó khăn cho việc đối ứng với tỷ lệ mà chương trình đã dự toán. Do đó, đại biểu cho rằng, Chính phủ nghiên cần cứu thêm về tỷ lệ vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình.

Còn liên quan đến việc đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang), đây là chủ trương đúng đắn để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người văn hóa, đồng thời đóng góp cho quá trình thu hút đầu tư thương mại, du lịch, lan tỏa hình ảnh của các quốc gia và tạo sức mạnh mềm của đất nước, cũng như của dân tộc. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thêm trước mắt cần quan tâm lựa chọn những nước có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập và có các đối tác dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đồng thời, cân đối nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả.

Với các băn khoăn của đại biểu về vốn đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, tỷ lệ ngân sách địa phương tham gia chương trình (24,7%) không phải cào bằng, mà là con số tính chung cho toàn quốc. Chính phủ sẽ tạo sự công bằng.

Việc đầu tư trung tâm văn hóa nước ngoài cũng không có chuyện làm dàn trải, sẽ ưu tiên các quốc gia Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Chính phủ sẽ lựa chọn 3-5 trung tâm để ưu tiên đầu tư theo thứ tự, căn cứ vào nguồn lực, vào số lượng kiều bào sinh sống, vào khả năng phát triển…

Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa: Có nhất thiết cần 1.260 công trình điêu khắc?
Trong 10 năm mỗi tỉnh sẽ có 20 công trình điêu khắc, 30 công trình nghệ thuật, với 63 tỉnh, thành sẽ có 1.260 công trình điêu khắc, 1.980 công trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư