Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu
Thế Hải - 22/12/2023 14:18
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, công tác ngoại giao kinh tế được phối hợp triển khai hiệu quả, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Bộ trưởng Công thương phát biểu tại hiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.
Bộ trưởng Công thương phát biểu tại Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Tại Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tăng cường hiệu quả phối hợp trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục được triển khai sâu rộng, bài bản, hiệu quả trên tất cả các kênh đối ngoại song phương, đa phương theo tinh thần Chỉ thị 15 ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ với phương châm “lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ". 

"Những hoạt động này đã góp phần mang lại nhiều kết quả quan trọng, giúp khơi thông thị trường, thúc đẩy xuất nhập khẩu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.

Tổng quy mô xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt 730 tỷ USD vào cuối năm 2022. Năm 2023, trước những diễn biến bất lợi của kinh tế toàn cầu, thương mại hàng hóa sụt giảm, nhưng xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Công thương đã chủ động phối hợp với ngành Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế, góp phần đẩy mạnh xuất nhập khẩu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Nổi bật là đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác lớn, tiềm năng.

Các FTA này đi vào thực thi giúp các doanh nghiệp trong nước khai thác, tận dụng hiệu quả để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) đến nay, Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ đàm phán, ký kết 5 FTA song phương và đa phương, nâng tổng số FTA đàm phán, ký kết và thực thi đến nay là 19 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trong số này,  có 15 FTA có hiệu lực, 1 FTA đã ký kết chờ phê chuẩn để đi vào thực thi với hơn 60 đối tác, phủ kín các Châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, cùng 3 FTA đang đàm phán, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại (chuyển từ thâm hụt sang thặng dư).

Dẫn chứng, Bộ trưởng Diên cho hay: "Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu với mức thặng dư kỷ lục gần 30 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá hối đoái và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế".

Kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo còn khó khăn, thách thức nhiều hơn, tác động bất lợi đến các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản dựng lên những “hàng rào kỹ thuật“ mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động và môi trường... đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Vì vậy, việc thâm nhập và mở rộng thị phần mang tính đột phá tại các thị trường ngoài nước thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.

Để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trụ cột xuất khẩu, Bộ trưởng Công thương cho rằng, Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ các FTA đã ký kết, đồng thời chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng và phù hợp với các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam.

Sớm xây dựng, ban hành Chiến lược mới về tham gia các thoả thuận thương mại tự do theo hướng chọn lọc đàm phán, ký kết các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Đẩy nhanh đàm phán các FTA mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng ở khu vực Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ… tạo dư địa cho hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường này; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Phát huy vai trò của các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt, cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư