Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đề án về kinh tế chia sẻ sẽ khuyến khích mạnh mẽ việc đưa các hình thức kinh doanh mới vào nền kinh tế
Kỳ Thành - 01/03/2019 17:37
 
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, lãnh đạo cơ quan chủ trì xây dựng Đề án về kinh tế chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh

Đề án về kinh tế chia sẻ sẽ hoàn thành kịp tiến độ

Trao đổi với các phóng viên về kinh tế chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (1/3), Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án về kinh tế chia sẻ để trình Chính phủ trong thời gian trước tháng 6 năm nay.

"Bộ KH&ĐT đang hết sức khẩn trương phối hợp cùng các cơ quan liên quan, các cơ quan nghiên cứu cũng như các chuyên gia trong ngoài nước tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị đánh giá và xây dựng dự thảo đề án này. Đến giờ phút này thì chúng tôi có thể khẳng định là chúng tôi sẽ hoàn thành kịp tiến độ thời hạn để trình Thủ tướng Chính thủ xem xét, phê duyệt sớm", ông Mạnh khẳng định.

Làm rõ hơn khái niệm này, ông Mạnh cho biết, qua đánh giá, qua nghiên cứu khảo sát với kinh nghiệm các quốc gia cũng như từ nhiều cơ quan bộ, ngành, chúng ta phải xác định kinh tế chia sẻ là một cơ hội mới về thay đổi phương thức kinh doanh từ sở hữu tài sản sang sử dụng tài sản mà không cần sở hữu. Đây hình thức kinh doanh phi truyền thống nhưng về nguyên tắc thì chúng ta phải công nhận nó là tất yếu.

Do đó, đề án hướng tới xây dựng các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích tranh thủ cơ hội mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đưa các đổi mới sáng tạo cũng như các hình thức kinh doanh mới vào trong nền kinh tế một cách mạnh mẽ, nâng cao được sức cạnh tranh, sự sáng tạo của nền kinh tế.

3 nhóm vướng mắc

Tuy nhiên, ông Mạnh cũng chia sẻ, trong quá trình xây dựng đề án cũng có những khó khăn, vướng mắc. Tựu chung lại thì có 3 nhóm vướng mắc:

Thứ nhất là về hình thức pháp lý, liên quan đến một loại hình kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh mới, phi truyền thống chưa có trong các quy định pháp lý, chưa có các nội hàm ý nghĩa một cách chính xác để đảm bảo các hoạt động đăng ký hay quản lý cấp phép. Ngay cả trong phân ngành kinh tế hiện nay cũng phải sắp xếp lại.

Thứ hai là tuy hệ thống pháp luật về thương mại điện tử của Việt Nam đã được xây dựng rất sớm, nhưng đối với hình thức này còn chưa thật đồng bộ và cũng còn những điểm chưa thống nhất, do đó cần những điều chỉnh về mặt pháp lý liên quan đến thương mại điện tử.

Thứ ba là những cái vướng mắc trong các hành lang pháp lý về quản lý kê khai thuế và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh kinh tế chia sẻ. Bên cạnh các biện pháp chung của Chính phủ để đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chính phủ điện tử hay tạo ra các hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, các thanh toán điện tử thì quan trọng nhất, vai trò của Chính phủ ở đây là phải xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với bối cảnh thay đổi này, với loại hình này.

Khuyến nghị để đảm bảo quyền lợi các bên

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho hay, cơ quan xây dựng đề án có đưa ra dự kiến một số khuyến nghị đối với người dân, nhà cung cấp, người tiêu dùng, doanh nghiệp… như đề cao trách nhiệm cũng như kiến thức của người tiêu dùng trong việc tự bảo vệ mình khi sử dụng những dịch vụ này. Các nhà cung cấp cũng phải có những bộ quy tắc, quy chuẩn để đảm bảo an toàn cũng như dịch vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Đối với dịch vụ thanh toán thì khuyến nghị liên quan đến hệ thống thanh toán hiện đại, đảm bảo an toàn trong thanh toán của kinh tế chia sẻ. "Về phía quy định pháp luật thì chúng tôi có đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến giải pháp", ông Mạnh nói.

Thứ nhất là giảm thiểu hoặc bảo vệ, bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ kinh tế chia sẻ.

Thứ hai là tạo ra các cơ chế chính sách cũng như các quy định của pháp lý mới có tính chất khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích các hoạt động của kinh tế chia sẻ có dư địa, có điều kiện phát triển.

Thứ ba là đối với việc xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến thu, quản lý thuế cũng như các quy định của nhà nước, cơ quan xây dựng đề án cố gắng đưa ra một số khuyến nghị chính sách đảm bảo sự công bằng giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ này, tránh sự xung đột cũng như không đảm bảo được sự công bằng giữa các hoạt động kinh doanh.

"Đây là một số nội dung có tính chất khái lược ban đầu, chúng tôi báo cáo Chính phủ xem xét. Khi có sự đồng ý của lãnh đạo Chính phủ, chúng tôi sẽ cung cấp chi tiết đầy đủ hơn để báo chí có thể theo dõi và đưa tin", ông Mạnh chia sẻ.

Chủ động khai thác cơ hội từ kinh tế chia sẻ
Kinh tế chia sẻ được nhận định sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Khi xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh là không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư