Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Đế chế của nhà đầu tư đại tài Warren Buffett cán mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD
Đông Phong - 29/08/2024 11:39
 
Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett vừa cán mốc vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD, trở thành công ty phi công nghệ đầu tiên tại Mỹ đạt được mốc đáng mơ ước này.
Tỷ phú Mỹ Warren Buffett. Ảnh: Steve Pope/AFP
Tỷ phú Mỹ Warren Buffett. Ảnh: Steve Pope/AFP

Kỳ tích trên "nền kinh doanh cũ"

Cổ phiếu của Tập đoàn Berkshire Hathaway có trụ sở tại bang Nebraska (Mỹ) tăng hơn 28% kể từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với mức tăng 18% của chỉ số S&P 500.

Với giá trị cổ phiếu (loại A) tăng 0,8% lên 696.502,02 USD vào ngày 28/8, Berkshire Hathaway trở thành tập đoàn phi công nghệ đầu tiên vượt mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD, theo FactSet.

Dấu mốc 1.000 tỷ USD là minh chứng cho sức mạnh tài chính và giá trị nhượng quyền của Berkshire Hathaway (gọi tắt là Berkshire), theo bà Cathy Seifert, nhà phân tích đầu tư Berkshire tại công ty phân tích đầu tư CFRA Research (Mỹ).

"Đây là điều quan trọng vào thời điểm Berkshire đại diện cho một trong số ít các tập đoàn còn tồn tại cho đến ngày nay", bà Seifert nhấn mạnh.

Khác hẳn với 6 thành viên khác trong câu lạc bộ nghìn tỷ USD (gồm: Apple, Nvidia, Microsoft, Alphabet, Amazon và Meta), Berkshire là doanh nghiệp gắn với "nền kinh doanh cũ" khi nắm trong tay các doanh nghiệp truyền thống như công ty đường sắt BNSF Railway, hãng bảo hiểm Geico Insurance và chuỗi đồ ăn nhanh Dairy Queen.

Tỷ phú Buffett, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway, đã nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp này từ lúc họ còn gặp khó khăn với lĩnh vực dệt may vào những năm 1960 và biến công ty thành một “đế chế” có độ phủ sóng kinh doanh đa ngành, từ bảo hiểm, đường sắt, bán lẻ, sản xuất đến năng lượng.

"Đây (mức vốn hóa 1.000 tỷ USD - BTV) là sự tôn vinh dành cho ông Buffet và đội ngũ quản lý của ông, vì các công ty với 'nền kinh doanh cũ' ... là những gì đã xây dựng nên Berkshire. Các công ty với mô hình kinh doanh cũ giao dịch ở mức định giá thấp hơn nhiều so với các công ty công nghệ, vốn không phải là mảng miếng chính của Berkshire", ông Andrew Kligerman, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư quốc tế TD Cowen (Mỹ) cho biết.

"Hơn nữa, Berkshire đạt được điều này thông qua một cấu trúc tập đoàn, một mô hình mà nhiều người coi là 'cổ hủ', vì các tập đoàn ngày càng chuyển sang chuyên môn hóa trong nhiều thập kỷ", ông Kligerman lưu ý.

Ông Greg Abel, Phó chủ tịch phụ trách mảng hoạt động phi bảo hiểm của Berkshire, đã được bổ nhiệm làm người kế nhiệm Buffett. Tại cuộc họp thường niên năm nay, tỷ phú Buffett đã nói với các cổ đông rằng ông Abel, 62 tuổi, sẽ có tiếng nói cuối cùng về các quyết định đầu tư của Berkshire khi ông không còn nắm quyền lãnh đạo nữa.

Gần đây, nhà đầu tư "mát tay" Buffett đã bước vào trạng thái phòng thủ, bán tháo một lượng lớn cổ phiếu, bao gồm một nửa cổ phần Apple của mình, đồng thời tăng lượng tiền mặt của Berkshire lên mức kỷ lục 277 tỷ USD vào cuối tháng 6.

Mặc dù ông Buffett nổi tiếng là không bao giờ tính toán đến thị trường và khuyên những người khác cũng không nên làm vậy, nhưng những động thái gần đây của tỷ phú Mỹ đã đánh thức một số người theo dõi động thái của ông trên Phố Wall, những người tin rằng tỷ phú Buffett đã nhìn thấy một số điều mà ông không thích về nền kinh tế và định giá thị trường.

Tập đoàn Berkshire đầu tư phần lớn tiền mặt của mình vào các trái phiếu kho bạc ngắn hạn và lượng chứng khoán nắm giữ, với trị giá 234,6 tỷ USD vào cuối quý II/2024 - cao hơn số tiền mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sở hữu.

Do đó, thật khó để lý giải tại sao các nhà đầu tư có thể đưa Berkshire cán mốc vốn hóa 1 nghìn tỷ USD như hiện nay và liệu đó có phải là một khoản cược vào nền kinh tế Mỹ và hệ sinh thái doanh nghiệp rộng lớn của tỷ phú Buffett sẵn sàng hưởng lợi nếu công ty tiếp tục hoạt động hay họ coi Berkshire là một pháo đài tiền mặt sẽ tạo ra thu nhập ổn định trong bối cảnh môi trường vĩ mô không chắc chắn.

Berkshire bắt đầu bán tháo cổ phiếu ngân hàng Bank of America vào giữa tháng 7 với giá trị bán tháo vượt 5 tỷ USD. Tỷ phú Buffett đã mua cổ phiếu ưu đãi và chứng quyền của Bank of America vào năm 2011, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, từ đó giúp củng cố niềm tin vào đế chế ngân hàng đang gặp khó khăn này ở thời điểm đó và phải vật lộn với những khoản lỗ liên quan đến lãi suất thế chấp dưới chuẩn.

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ

Sau mức lợi nhuận quý II tăng trưởng mạnh mẽ của Berkshire, nhà phân tích Brian Meredith của tập đoàn tài chính UBS đã nâng ước tính lợi nhuận năm 2024 và 2025 đối với Berkshire vì hai yếu tố: lợi nhuận đầu tư cao hơn và mức thẩm định cao hơn của khối bảo hiểm, bao gồm Geico Insurance.

Theo dự báo của ông Meredith, vốn hóa thị trường của Berkshire sẽ vượt xa 1.000 tỷ USD với kỳ vọng giá cổ phiếu loại A của Berkshire trong 12 tháng sẽ đạt mức 759.000 USD, tăng gần 9% so với mức giá ngày 28/8.

"Chúng tôi vẫn tin rằng cổ phiếu Berkshire là một lựa chọn hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn", ông Meredith nhận định.

Cổ phiếu loại A của Berkshire là một trong những cổ phiếu đắt giá nhất Phố Wall. Hiện nay, mỗi cổ phiếu loại A của Berkshire được bán với giá cao hơn 68% so với giá trung bình của một ngôi nhà tại Mỹ. Đó là vì Buffett chưa bao giờ chia tách cổ phiếu, vì tỷ phú Mỹ chú trọng chất lượng hơn và quan niệm rằng giá cổ phiếu cao giúp thu hút và giữ chân nhiều nhà đầu tư dài hạn.

Berkshire cũng đã phát hành cổ phiếu loại B vào năm 1996 với mức giá chỉ bằng 1/30 của cổ phiếu loại A để thu hút các nhà đầu tư nhỏ hơn.

Tập đoàn của tỷ phú Warren Buffett báo lãi lớn nhờ mảng bảo hiểm
Berkshire Hathaway hôm 24/2 cho biết lợi nhuận hoạt động tăng mạnh trong quý IV/2023 nhờ lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư