Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đế chế thời trang nhanh Shein bị Trung Quốc "soi" rủi ro bảo mật
Đông Phong - 18/01/2024 16:00
 
Trung Quốc đang tiến hành đánh giá bảo mật an ninh mạng đối với Shein khi hãng thời trang nhanh chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng rất được mong đợi tại Mỹ.
Cuối tháng 11/2023, truyền thống Mỹ đưa tin rằng Shein được định giá 66 tỷ USD trong lần định giá gần đây nhất. Ảnh: AFP
Cuối tháng 11/2023, truyền thống Mỹ đưa tin rằng Shein được định giá 66 tỷ USD trong lần định giá gần nhất. Ảnh: AFP

Đài CNBC dẫn một nguồn thạo tin cho biết Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đang xem xét sự hiện diện chuỗi cung ứng của Shein tại Trung Quốc, nơi tập trung phần lớn các nhà sản xuất và nhà cung cấp của hãng thời trang nhanh.

Cuộc đánh giá của cơ quan chức năng Trung Quốc tập trung vào cách Shein xử lý thông tin về nhân viên, đối tác và nhà cung cấp của mình ở khu vực, tờ Wall Street Journal đưa tin. Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc cũng đang kiểm tra xem liệu Shein có thể đảm bảo rằng dữ liệu không bị rò rỉ ra nước ngoài không.

Đài CNBC trước đó đưa tin, việc đánh giá của cơ quan chức năng Trung Quốc đặt ra một số vấn đề đối với Shein khi hãng thời trang này thực hiện các bước cho thương vụ IPO sau khi âm thầm nộp đơn IPO tại Mỹ vào tháng 11/2023.

Thực chất, Shein vẫn bị coi là một công ty Trung Quốc - ít nhất là trong mắt Bắc Kinh - trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng căng thẳng. Trong bối cảnh các nhà lập pháp từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà của Mỹ lo ngại về mối quan hệ của Shein với Bắc Kinh, Shein đã nỗ lực thể hiện mình là một công ty toàn cầu và chỉ có mác thành lập ở Trung Quốc.

Ông Drew Bernstein, đồng chủ tịch công ty kiểm toán Marcum Asia và là chuyên gia thị trường vốn Mỹ và châu Á, cho biết: Nếu Shein không phải doanh nghiệp Trung Quốc, thì nhà bán lẻ thời trang này không nhất thiết phải có sự cho phép của Bắc Kinh để tiến hành IPO.

Các cơ quan chức năng của Mỹ ngày càng lo ngại về việc doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh tại Mỹ và họ muốn đảm bảo dữ liệu nhạy cảm về khách hàng Mỹ không rơi vào tay chính phủ Trung Quốc, theo đài CNBC.

Bắc Kinh cũng có mối lo ngại tương tự. Do đó, Shein sẽ không chỉ phải giành được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý Mỹ mà còn đảm bảo phải có sự ủng hộ của Trung Quốc.

Năm 2021, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc đánh giá bảo mật an ninh tương tự đối với "gã khổng lồ" dịch vụ gọi xe Didi Global chỉ vài ngày sau khi nền tảng này chào sàn chứng khoán New York và huy động được khoảng 4,4 tỷ USD. Trong vòng một năm, Didi Global đã bị hủy niêm yết và giá trị cổ đông bị xóa sạch.

Sau đổ vỡ của Didi, tất cả các công ty Trung Quốc muốn IPO ở nước ngoài hiện phải chịu sự đánh giá bảo mật và chấp thuận của chính phủ Trung Quốc. Nếu các kết quả đánh giá chỉ ra thông tin không phù hợp với các cơ quan quản lý Trung Quốc, các công ty muốn IPO có thể bị hủy bỏ giao dịch.

Tuy nhiên, trái ngược với Didi, Shein đang tìm kiếm sự chấp thuận của Trung Quốc trước khi bắt đầu tiến hành IPO tại Mỹ, điều này có thể ngăn chặn sự sụp đổ cổ phiếu tương tự và giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, theo ông Bernstein, đồng chủ tịch công ty kiểm toán Marcum Asia.

Ông Bernstein cũng lưu ý rằng Shein trước đó đã chuyển trụ sở chính đến Singapore và không bán sản phẩm của mình ở thị trường Trung Quốc. Điều này có thể làm giảm bớt lo ngại từ Bắc Kinh rằng thông tin về khách hàng Trung Quốc có thể rò rỉ sang Mỹ.

"Bằng cách không tiếp xúc với người tiêu dùng Trung Quốc, họ có thể không bị coi là một công ty nhạy cảm về bảo mật", ông Bernstein nhận định. "Tôi nghĩ rằng [Shein] đã đoán trước được điều này và đã chuẩn bị kỹ lưỡng", đồng chủ tịch Marcum Asia nói thêm.

Cuối tháng 11/2023, truyền thống Mỹ đưa tin rằng Shein được định giá 66 tỷ USD trong lần định giá gần nhất và có thể sẵn sàng giao dịch trên thị trường đại chúng trong năm 2024.

Shein có bước phát triển vượt bậc trong vài năm qua sau khi chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trên toàn cầu nhờ thiết kế hợp thời trang, chủng loại đa dạng và mức giá hợp lý. Tuy nhiên, Shein đã đối mặt với một loạt thách thức trong quá trình hoạt động, thậm chí đối diện với cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng, vi phạm luật lao động, gây tổn hại đến môi trường và đánh cắp thiết kế từ các nghệ sĩ độc lập.

Chưa hết, Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc thuộc Hạ viện Mỹ cũng tiến hành điều tra Shein và giám sát chặt chẽ mối quan hệ của công ty này với Bắc Kinh.

Được biết, Shein đã chọn Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley là những nhà bảo lãnh chính cho thương vụ IPO tại Mỹ.

Thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc có thể chững lại
Ngành hàng xa xỉ thế giới phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và Bắc Mỹ để tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng cả hai thị trường này...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư