Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất có Sách Trắng về doanh nghiệp nhà nước
An Khánh - 26/09/2013 15:17
 
Công bố Sách Trắng về chính sách đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch, rõ ràng có thể sẽ giải quyết sớm được một số tồn tại trong khu vực này. >>> "Mùa Thu" chưa khác nhiều "Mùa Xuân" >>> Tái cơ cấu: hành động thay vì bàn cãi >>> Cổ phần hóa DNNN: Chậm trễ không chỉ vì giá đất

Đây là đề xuất của Nhóm nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và Trường Quản lý nhà nước Harvard Kenedy trong Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu.

Ông Nguyễn Xuân Thành, đại diện của Nhóm này cho rằng, đây là bước trung gian có thể làm ngay, trước khi có thể thực hiện những cải cách thể chế lớn liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Ông Nguyễn Xuân Thành, đại diện của Nhóm nghiên cứu nêu đề xuất

“Trong khi chờ đợi đột phá về thể chế thì minh bạch, tăng sự giám sát của người dân, xã hội với khu vực doanh nghiệp này sẽ tạo nên cải cách mạnh mẽ trong quản trị doanh nghiệp nhà nước”, ông Thành nói.

Trong nghiên cứu của Nhóm này về khu vực doanh nghiệp nhà nước, lý do thất bại, không hiệu quả của khu vực này là hoạt động dựa trên các hình thức lồng ghép thể chế.

Hình thức lồng ghép thứ nhất là một cơ quan nhà nước được ủy quyền thực hiện 3 vai trò trong 1, bao gồm cả đại diện sở hữu nhà nước, quản lý nhà nước và điều hành kinh doanh doanh nghiệp nhà nước.

Hình thức thứ hai là cơ quan hoạch định , điều tiết doanh nghiệp để xử lý thất bại của thị trường… và thực hiện chức năng chủ quản trong một cơ quan.

Đây là lý do mà ông Thành cho rằng, ngay cả các doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận hay có khả năng cạnh tranh thì cũng là nhờ lồng ghép thể chế với "tứ giác quan hệ với nguồn lực", là đầu tư công và tín dụng chỉ định (giữa trung ương, địa phương, doanh nghiệp nhà nước phi tài chính và doanh nghiệp nhà nước tài chính).

“Nếu cải cách doanh nghiệp nhà nước, thắt chặt đầu tư công mà không xử lý cơ chế, luật chơi này thì không thể thay đổi được tình hình hiện tại”, ông Thành phân tích khi đưa ra con số tổng đầu tư công không đổi trong vòng nếu loại bỏ yếu tố lạm phát trong vài năm trở lại đây.

“Chúng tôi nhìn thấy sự sụt giảm mạnh nhất là đầu tư từ ngân sách và đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng phần này lại được bù đắp bởi tín dụng nhà nước (từ ngân hàng phát triển và trái phiếu Chính phủ). Rõ ràng, nói là siết đầu tư công nhưng thay vì đầu tư dựa vào thực lực thì lại dựa vào tín dụng, lại là tín dụng của nhà nước và trái phiếu chính phủ…”, ông Thành lý giải về lý do phải công bố công khai hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trước khi có những cải thiện mạnh mẽ về thế chế liên quan đến khu vực này.

“Chúng ta phải tuyên bố dùng một phần nguồn lực thực để tái cơ cấu nền kinh tế, nguồn lực ấy phải từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư của khu vực này vào các lĩnh vực ngoài ngành. Khi đó, thái độ của các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải thay đổi”, ông Thành nói .

Thậm chí, để giải tỏa băn khoăn doanh nghiệp có chịu thoái vốn, nhóm nghiên cứu đề xuất phương án 2 bước. Bước 1, doanh nghiệp chủ động thoái vốn trong vòng 15-18 tháng. “Sau thời gian này, nếu không xử lý, toàn bộ khoản đầu tư ngoài ngành và những con người đang theo dõi các khoản đầu tư này sẽ chuyển về Bộ Tài chính để xử lý”, Nhóm nghiên cứu đề xuất.

Liên quan nội dung này, Giáo sư Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế, cho rằng, cách tốt nhất để thoái vốn đầu tư nhà nước là tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có lãi trong các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. “Tại sao các doanh nghiệp trong lĩnh vực bia, rượu, nước giải khát, tiêu dùng… không cổ phần hóa nhanh. Cổ phần hóa các doanh nghiệp đang có lãi thì nhà nước mới có nguồn lực thực”, ông Lược khẳng định.

Tái cơ cấu: hành động thay vì bàn cãi
Ngày hôm nay (5/4/2013), thêm một lần, chủ đề tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam thảo luận tại Diễn đàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư