Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dệt may ngày càng khó giữ lao động
Hồng Phúc - 10/09/2019 15:02
 
Khó tuyển và giữ lao động dệt may, nhiều doanh nghiệp trong ngành này đã quyết định không mở rộng sản xuất, thậm chí còn thu gọn quy mô.
Ngành dệt may đứng trước nguy cơ thiếu lao động khi tỷ lệ nghỉ việc ngày càng gia tăng. Ảnh: đức Thanh
Ngành dệt may đứng trước nguy cơ thiếu lao động khi tỷ lệ nghỉ việc ngày càng gia tăng. Ảnh: Đức Thanh

Tỷ lệ nghỉ việc gia tăng

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công - doanh nghiệp có doanh thu hơn 3.600 tỷ đồng năm 2018 đang phải đối mặt khó khăn chung của toàn ngành là khó tuyển và giữ lao động dệt may. Báo cáo của Công ty cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, cứ 100 lao động thì có 14 người nghỉ việc. Con số ấy cao hơn khoảng 4 người so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự dệt may Thành Công ước tính, bình quân cả năm, tỷ lệ nghỉ việc của Công ty sẽ ở mức ít nhất 26%.

“Năm sau chắc chắn tỷ lệ biến động trên còn tăng và tuyển lao động ngày càng khó”, ông Tuấn nói.

Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dệt may gặp vấn đề biến động nhân sự và khó tuyển dụng lại. Theo ông Tuấn, lao động trong ngành này lương không cao, nếu doanh nghiệp nào có đủ khả năng hỗ trợ nơi ăn ở, chế độ nghỉ phép, bảo hiểm xã hội tốt thì mới có thể giữ chân lao động, còn không, lao động có xu hướng dịch chuyển sang các ngành khác như điện tử, hoặc chuyển về các khu công nghiệp tại quê.

“Gia đình, chồng con họ đều ở quê. Mức sinh hoạt ở quê rẻ hơn và lại được gần gia đình. Còn tại các thành phố lớn như TP.HCM, chi phí sinh hoạt cao, nhà thì phải thuê, đồng lương không đủ trang trải, nên họ thường nghỉ việc”, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty cổ phần may Minh Long Hưng cho biết.

Theo ông Sinh, để có thể duy trì được nhân sự, công ty phải lo cho người lao động các chế độ cộng thêm như chỗ ăn ở, nguồn thu nhập cạnh tranh… Nhưng điều này làm tăng chi phí doanh nghiệp, trong khi giá đơn hàng không tăng, khiến doanh nghiệp rất vất vả.

Tìm cách thu gọn sản xuất

Đại diện Công ty Minh Long Hưng cho biết, vừa phải chuyển một số đơn hàng về các doanh nghiệp liên kết ở tỉnh, nhằm giảm bớt áp lực vì thiếu lao động.

Công ty cũng phải cơ cấu lại chiến lược như vay thêm vốn để mua máy móc và giảm số lượng lao động, chỉ giữ lại các công đoạn kỹ thuật như thiết kế, trải vải, cắt, in ấn, hoàn thiện, còn khâu may sẽ đưa về doanh nghiệp vệ tinh ở tỉnh.

Ông Lý Thành Sinh nhận định, trong tương lai, ngành dệt may Việt Nam sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp giải thể, bởi lợi thế lao động giá rẻ giờ đây không còn thuộc về Việt Nam. Ông kể về trường hợp của một doanh nghiệp Đài Loan đã ký hợp đồng mua xưởng may tại Tây Ninh, nhưng sau đó, họ hủy hợp đồng và chuyển sang Campuchia xây nhà máy.

“Họ sẵn sàng chịu phạt vì bỏ hợp đồng, rồi sang Campuchia xây dựng từ đầu. Tuy mất chi phí xây dựng, nhưng nhanh hoàn vốn, bởi lao động Campuchia rẻ hơn Việt Nam. Bản thân tôi làm ngành này bao nhiêu năm, mà giờ còn muốn bỏ nghề. Anh em trong ngành chúng tôi động viên nhau, trong tình hình này nên thu vén gọn gàng lại, cố gắng giữ được thị trường, giữ được khách đã là mừng lắm rồi, chứ đừng nói phát triển”, ông Sinh chia sẻ.

Còn với dệt may Thành Công, chỉ cần một tháng không có hoặc không đủ đơn hàng thì cả năm không có lãi, do đó, một mặt Công ty duy trì sản xuất, mặt khác tìm cách giữ lao động dù đối mặt tình trạng tồn kho.

“Chúng tôi vừa đầu tư, vừa di dời nhà máy về Vĩnh Long và không đầu tư thêm ở TP.HCM. Đến năm 2025, Thành Công sẽ không còn mảng dệt nhuộm tại thành phố và tinh gọn bộ phận dệt may, chỉ mở rộng ra tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự dệt may Thành Công chia sẻ.

Trước tình trạng thiếu lao động, các nhà đầu tư ngoại cũng cân nhắc việc đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam. Chia sẻ về vấn đề này trên tờ Nikkei Asian Review, đại diện Công ty may mặc Makalot Industrial (Đài Loan), nhà sản xuất áo quần cho GAP, Walmart, Zara và H&M, cho biết, sẽ giảm tốc độ của các kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Navigos Việt Nam, làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp phụ trợ và đồ gỗ nội thất. Navigos ghi nhận, nhiều dự án nhà máy mới vào Việt Nam mở rộng quy mô nhân sự gấp đôi, gấp ba, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện…

Nhu cầu tăng trưởng quy mô đột biến này do doanh nghiệp mở rộng nhà máy hoặc tái cấu trúc, dẫn tới làn sóng dịch chuyển lao động giữa các ngành. Điều này tác động lớn đến nguồn lao động ngành dệt may, bán lẻ…

Công nghệ không dễ giành mất việc lao động dệt may
Lao động ngành dệt may không nằm ngoài xu thế tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong khoảng 10 năm tới, nhưng tác động chủ yếu diễn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư