Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
ĐHĐCĐ T-Corp: Đã chốt lời khoản đầu tư cổ phiếu FPT, kỳ vọng lãi vượt kế hoạch
Kỳ Thành - 08/06/2024 20:45
 
Trưa 8/6, kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2024 Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (T-Corp, mã TVC - HNX) đã diễn ra tại Hà Nội.

Cổ đông tiếp tục đặt câu hỏi về người sáng lập Phạm Thanh Tùng

Tại phiên thảo luận, cổ đông tiếp tục đặt câu hỏi với Ban lãnh đạo của T-Corp về người sáng lập Phạm Thanh Tùng.

Trước đó, như Báo điện tử Đầu tư đã đưa tin, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông hôm 3/6 của CTCP Chứng khoán Trí Việt (mã TVB – HoSE) - công ty con của T-Corp, thông tin về ông Phạm Thanh Tùng, người sáng lập, cựu Chủ tịch HĐQT của TVC và TVB cũng được các cổ đông hết sức quan tâm và bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch HĐQT T-Corp đã trả lời.

Sau đó, ngày 6/6, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt Phạm Thanh Tùng (sinh năm 1979) và 2 nhân viên Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt gồm Đỗ Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1986), Nguyễn Mạnh Thìn (sinh năm 1988) về cùng tội “Thao túng thị trường chứng khoán” theo quy định tại Điều 211, khoản 2, điểm c-Bộ luật Hình sự.

Cơ quan chức năng xác định, cựu Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt Phạm Thanh Tùng đã chỉ đạo thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, tạo cung, cầu giả, khiến cho 31 nhà đầu tư thua lỗ hơn 3,3 tỷ đồng. Đây là vụ án thứ hai mà ông Phạm Thanh Tùng bị truy tố về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Trao đổi với cổ đông tại cuộc họp trưa 8/6, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch HĐQT T-Corp khẳng định, đây là vụ việc cá nhân của ông Tùng và không ảnh hưởng tới Công ty.

Nhắc lại cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, bà Hằng làm rõ thêm, ông Phạm Thanh Tùng đã chỉ đạo sử dụng cổ phiếu TVB, TVC được lưu ký trên các tài khoản nội nhóm để cầm cố, vay tiền các công ty chứng khoán, sử dụng tiền vay để đầu tư các mã chứng khoán khác.

Trong các tháng đầu năm 2020, do diễn biến thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các mã chứng khoán giảm giá dẫn đến nhiều khoản vay đầu tư bị call-margin, phải bán tài sản đảm bảo để trả nợ. TVB, TVC cũng bị giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận để đảo nợ trong thời gian đó. Vì vậy khiến 31 nhà đầu tư thua lỗ hơn 3,3 tỷ đồng, ngoài ra ông Tùng cũng lỗ 130 tỷ đồng từ các hoạt động đầu tư, đảo nợ trong giai đoạn trên.

Thời gian xảy ra sự việc cũng là giai đoạn đầu Luật Chứng khoán (sửa đổi) 2019 có hiệu lực, do đó ông Phạm Thanh Tùng cũng không kịp thời nhận thức đối với những hành vi vi phạm.

“Đại diện cho Ban lãnh đạo, xin gửi tới quý cổ đông, quý khách hàng, toàn thể cán bộ nhân viên lời cảm ơn vì đã đồng hành cùng Công ty qua giai đoạn khó khăn; mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, tin tưởng của cổ đông, khách hàng cùng toàn thể cán bộ nhân viên trong chặng đường tiếp theo”, bà Hằng nói.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch HĐQT T-Corp chủ trì cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Công ty. (Ảnh: K.T)

Đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất 340 tỷ đồng

Tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua các báo cáo, tờ trình của Hội đồng quản trị. Theo đó, năm 2023, T-Corp ghi nhận doanh thu 70 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 278,6 tỷ đồng. Lý do lợi nhuận sau thuế tăng chủ yếu do hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán khi giá các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Công ty mẹ và Công ty con tăng và các công ty thực hiện quản trị chi phí hiệu quả hơn.

Năm 2024, T-Corp đề ra mục tiêu Công ty mẹ tổng doanh thu 380 tỷ đồng, lãi sau thuế 250 tỷ đồng. Kết quả hợp nhất dự kiến tổng doanh thu 610 tỷ đồng, lãi sau thuế 340 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, T-Corp ghi nhận doanh thu 90,25 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 159 tỷ đồng.

Chia sẻ với các cổ đông, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết, trong ngắn hạn, Công ty sẽ tập trung quản trị điều hành tốt, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, nâng cao năng lực, văn hóa, rà soát cắt giảm các chi phí hiệu quả, quản trị công ty con là TVB thật tốt.

Đối với công tác thu hồi công nợ, Công ty đã trích lập dự phòng 70% và đang tiến hành thu hồi nợ. “Chúng tôi khẳng định sẽ thu hồi hết toàn bộ khoản phản thu. Tín hiệu đến giờ tích cực, đối tác đàng hoàng hợp tác. Khi thu hồi được nợ thì sẽ là lợi nhuận của Công ty”, bà Hằng nói.

Về phát triển kinh doanh, Công ty sẽ tập trung các mảng cốt lõi là phân tích - đầu tư. Đồng thời rà soát các tồn đọng, các vấn đề pháp lý quá khứ để rút kinh nghiệm, đưa doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Về dài hạn, sẽ từng bước mở rộng kinh doanh, ưu tiên chất hơn lượng, nâng cao chất lượng phân tích, sàng lọc doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư trung hạn. Đồng thời nâng cao quản trị doanh nghiệp, tích cực chuyển đổi số, chú trọng vấn đề pháp lý, củng cố bộ phận pháp chế thật vững mạnh.

Đã chốt lời khoản đầu tư cổ phiếu FPT

Trước đề nghị của một cổ đông về việc nâng kế hoạch lợi nhuận sau thuế lên cao hơn nữa, ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc khối Đầu tư cho biết, mục tiêu lợi nhuận 250 tỷ đồng đã là rất khó khăn.

“Để đạt hơn nữa là rất khó. Vừa rồi chúng tôi đã “chốt lời” cổ phiếu FPT, nghĩa là vốn đầu tư đã nở ra, số tiền có thể sử dụng đã nở ra, nên mới nâng mục tiêu lên 250 tỷ đồng”, ông Thanh lý giải.

Cho biết thị trường chứng khoán hiện không có quá nhiều cơ hội hấp dẫn, nhưng ông Thanh khẳng định bộ phận Đầu tư của T-Corp sẽ cố gắng phấn đấu đạt kết quả cao hơn nữa so với kế hoạch đã đề ra.

“Chúng tôi đã có bộ đệm lợi nhuận khi chốt lời FPT và danh mục nắm giữ hiện có cổ phiếu rất mạnh là MWG, dự kiến còn manh 12 - 24 tháng nữa thậm chí lâu hơn”, ông Thanh cho hay.

Làm rõ căn cứ cơ sở để đề ra mức hiệu suất đầu tư cao như trên, ông Thanh đã chia sẻ về chiến lược đầu tư của T-Corp. Cụ thể, Công ty chia các khoản đầu tư theo khung thời gian dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.

Trong đó, đầu tư dài hạn vào ngành nghề có tiềm năng phát triển lâu dài, cụ thể là Chứng khoán Trí Việt (TVB); trung hạn là các doanh nghiệp niêm yết; ngắn hạn tập trung vào các mã cổ phiếu bluechip, thanh khoản cao.

Cụ thể, đối với TVB, Công ty đã tăng cường quản trị, kiểm soát vận hành đối với TVB, đưa người vào, “xắn tay áo” cùng với TVB (ông Nguyễn Đức Thanh vừa được bầu bổ sung vào HĐQT của TVB).

Đối với đầu tư trung hạn 12 – 24 tháng, T-Corp sẽ nghiên cứu kinh tế vĩ mô, chính trị trong thời gian dài, sau đó chọn ra ngành có tiềm năng, trên cơ sở đó chọn ra các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành đó, điển hình là đã thành công với các mã cổ phiếu FPT, HPG…

Với đầu tư ngắn hạn, Công ty có thể sử dụng margin nhưng rút kinh nghiệm bài học quá khứ, vì vậy cơ cấu danh mục làm sao tránh được rủi ro phi hệ thống.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đang nghiên cứu mở rộng lĩnh vực đầu tư vào phái sinh và trái phiếu, đầu tư vào những doanh nghiệp chưa lớn về vốn hóa nhưng có ngành nghề mới triển vọng. “Chúng tôi vẫn sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết chứ không phải OTC. Chúng tôi không phải nhà đầu tư thiên thần”, ông Thanh nói.

Để thực hiện các chiến lược đầu tư trên, ông Thanh cho biết, T-Corp đang thúc đẩy việc tuyển dụng, chiêu mộ nhân tài.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư