Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Di dời trụ sở các bộ, ngành chậm, "tư lệnh" ngành xây dựng nhận trách nhiệm
Thế Hoàng - 04/11/2022 07:35
 
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai di dời trụ sở các Bộ, ngành, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô.
ĐBQH Trần Văn Tiến tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng./
ĐBQH Trần Văn Tiến tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về tiến độ di dời các trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội tại phiên chất vấn chiều 3/11, người đứng đầu ngành xây dựng nói rằng: "Việc di dời trụ sở các Bộ, ngành ra khỏi nội đô còn chậm".

Ông Nghị chỉ ra nguyên nhân là các cơ quan chưa quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 130, như là chậm xây dựng đề án di dời bao gồm danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời.

Thứ hai là nguồn ngân sách bố trí cho việc di dời trụ sở và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, khu vực quy hoạch trụ sở mới trong khi nhu cầu vốn rất lớn mà ngân sách chúng ta còn hạn chế.

Thứ ba là chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác đầu tư xây dựng các trụ sở mới.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận trách nhiệm về việc chậm di dời Trụ sở các bộ ngành còn chậm.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận trách nhiệm về việc chậm di dời trụ sở các bộ ngành còn chậm.

"Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chung về việc thực hiện giám sát, đôn đốc công tác này cũng chưa thực sự hiệu quả trong thời gian vừa qua. Trách nhiệm thứ hai là các cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao cũng chưa quyết liệt, chưa đúng như nhiệm vụ được giao", Bộ trưởng nói.

Giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, xác định các danh mục cơ sở cần di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện, đồng thời cũng xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ di dời.

Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, quy hoạch giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô để trình Thủ tướng phê duyệt, lập danh mục xây dựng biện pháp, lộ trình di dời cũng như sử dụng quỹ đất sau di dời.

Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với bộ, ngành, thành phố Hà Nội và các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách di dời,  Thành phố Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện công tác rà soát, lập đề án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô  được Thủ tướng chấp thuận và lập quy hoạch phân khu đô thị cũng như xác định quỹ đất phù hợp, hiệu quả.

Giải pháp cuối cùng, quan tâm dành nguồn lực thực hiện công tác di dời các trụ sở bộ, ngành cũng như các cơ sở sản xuất.

Liên quan đến đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) chất vấn về tình trạng vi phạm như: Xây dựng không phép, sai phép, xây vượt tầng, xây trên đất nông nghiệp, đất không được phép xây dựng, Bộ trường Nghị lý giải, với đặc thù của công trình xây dựng, các vi phạm về trật tự xây dựng là các vi phạm rất khó khắc phục hậu quả và các trường hợp buộc phải phá dỡ công trình vi phạm đều dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội. 

Theo đó, giải pháp phát hiện và phòng ngừa từ sớm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng luôn là ưu tiên trong nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành xây dựng. 

Báo cáo của địa phương thì số tỷ lệ công trình sai phép, không phép trên tổng số công trình được thanh tra, kiểm tra đã giảm dần qua từng năm. Năm 2020 số công trình sai phép, không phép chiếm tỷ lệ là 23,8% trên tổng số cuộc kiểm tra, thanh tra, năm 2021 thì số công trình không phép, sai phép chiếm tỷ lệ 13,4% tổng số công trình được kiểm tra và 6 tháng đầu năm 2022 thì số công trình sai phép, không phép chiếm tỷ lệ là 7,1%.

Tuy nhiên, đúng như đại biểu phản ánh là tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp, việc phát hiện vi phạm có thời điểm, có trường hợp cũng không kịp thời, ciệc xử lý vi phạm cũng có trường hợp chưa nghiêm, còn chậm, chưa triệt để.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong quy hoạch, trong hoạt động đầu tư xây dựng để xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

Đề nghị các địa phương quan tâm bố trí ngân sách hàng năm cho công tác quy hoạch, khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan và cấp giấy phép xây dựng làm cơ sở để chúng ta quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý địa bàn, quản lý trật tự xây dựng cũng như là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý cũng như là xử lý không kịp thời, không triệt để.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư