Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Địa ốc Alibaba câu khách hàng bằng chiêu trò kinh doanh đa cấp
Ngô Nguyên - Gia Huy - 23/09/2019 08:31
 
Tính tới thời điểm công an khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột ông Luyện), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, đã có khoảng 7.000 lô đất nền được bán ra.
Nghe bài viết này tại đây :
Một buổi lễ mở bán đất Dự án “bánh vẽ” của Alibaba tại Long Thành (Đồng Nai)
Một buổi lễ mở bán đất dự án “bánh vẽ” của Alibaba tại Long Thành (Đồng Nai)

Khoảng… 7.000 người vào tròng

Ngay sau khi Bộ Công an phối hợp Công an TP.HCM bắt tạm giam 2 “chủ chòm” của Alibaba (chiều ngày 18/9/2019), đã có cả trăm người dân các tỉnh Đông Nam bộ tố cáo Alibaba với công an. Theo Công an TP.HCM, số người tới tố cáo sẽ chưa dừng lại, có thể kéo dài cả nửa tháng.

Tài liệu điều tra ban đầu cho thấy, tính tới nay, Alibaba quảng bá có 48 dự án với 28.686 sản phẩm bất động sản, chủ yếu phân bố tại TP.HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đã có gần 7.000 nền đất dán mác dự án của Alibaba được bán ra.

Theo điều tra của công an, Alibaba đã tự ý vẽ dự án, phân lô bán nền từ đất nông nghiệp, đất trồng rừng, đất quy hoạch nghĩa trang... mà không hề có bất cứ căn cứ pháp lý nào.

Như vậy, đã có khoảng 7.000 nhà đầu tư là nạn nhận của Alibaba.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Cúc (tỉnh Bình Dương) cho hay, bà đã đầu tư toàn bộ vốn liếng vào các dự án của Alibaba ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà đã nhiều lần lên trụ sở Công ty để đòi lại tiền, nhưng không được. “Khi chào mời dự án, nhân viên Alibaba nói sẽ tách sổ riêng, đảm bảo giá đất lên nhanh. Thế nhưng, gần 2 năm rồi, tôi vẫn chưa được tách sổ và tiền cũng không rút được”, bà Cúc bức xúc.

Đó cũng là tình thế chung của cả trăm nhà đầu tư đang tố với công an.

Thủ đoạn kinh doanh đa cấp bất động sản

Điều khá lạ là, trong số người đi tố cáo, lại chưa thấy nhân viên Alibaba, dù họ chính là nhà đầu tư thứ cấp của chính công ty mình. Thậm chí, dư luận còn ngạc nhiên khi CEO Alibaba có thể khiến hàng ngàn nhân viên răm rắp nghe theo.

Theo điều tra, Alibaba đã áp dụng mô hình kinh doanh đa cấp vào bất động sản, bất chấp quy định pháp luật hiện hành chưa cho phép được phân phối theo hình thức này.

Cụ thể, theo lời kể của chị Trần N.T, nhân viên môi giới của Alibaba hiện đã nghỉ việc, chị vào công ty này làm từ tháng 7/2019 do một người bạn làm trong Công ty giới thiệu. “Vào làm tôi mới biết, bạn tôi được thưởng nóng 2 triệu đồng khi giới thiệu tôi vào làm. Chính sách của Alibaba là thưởng nóng 1 - 2 triệu đồng nếu như nhân viên dụ được một người vào làm môi giới. Do vậy, các nhân viên đua nhau mời gọi bạn bè, người thân vào làm môi giới cho công ty”, chị Trần N.T cho biết.

Chính vì vậy, chỉ mới sau 3 năm (Alibaba thành lập năm 2016), công ty này đã có số nhân viên lên hơn 2.500 người, lớn hơn cả những “đại gia” bất động sản ở TP.HCM.

Chưa dừng lại, khi nhân viên vào làm, Alibaba tận dụng tối đa công nghệ thời 4.0 để dạy dỗ chỉ dẫn cách… làm ăn. Thông điệp “Alibaba sẽ giúp khách hàng giàu lên cùng bất động sản” được lặp đi lặp lại ở hàng trăm buổi “dạy” nhân viên, hội thảo khách hàng hoặc trực tiếp, hoặc livestream trên mạng xã hội, thậm chí in cả cẩm nang nội bộ.

Công ty còn in sách nội bộ “Cẩm nang giúp sale bán hàng” dày hàng trăm trang với những chỉ dẫn không giấu giếm: “Thay vì sale Alibaba tư vấn bán sản phẩm cho khách hàng, thì anh chị hãy lựa chọn đầu tư cho bản thân mình những sản phẩm cảm thấy ưng ý nhất”.

Làm thế nào để nhân viên của mình thành nhà đầu tư thứ cấp F1? Cẩm nang của Alibaba lại chỉ tiếp cách vay tiền… cha mẹ, cô dì, chú bác hay bạn hữu bằng thủ đoạn: “Mua lô đất 400 triệu đồng, mượn 10 triệu đồng, thì sẽ có nhiều người thân cho mượn. Anh chị sale Alibaba đừng mượn một lúc 400 triệu đồng, sẽ không ai cho mượn’’.

Đáng sợ là, vào vòng xoáy bạc tiền, khi đi bán đất của mình đã đầu tư, dù biết bị lừa, song họ sẽ cố tìm khách hàng để bán. Người tiếp theo phát hiện ra lại sẽ tìm một “con mồi” khác. Và thế là dẫn đến cả dây chuyền lừa đảo, lan rộng ở tất cả các cấp đầu tư F1, F2, F3, F4…

Thế nên, Alibaba đã biến nhân viên mình không chỉ là nhà đầu tư thứ cấp, mà còn là “mồi béo” để “câu”, kể cả người thân, để tạo ra các cấp đầu tư tiếp theo và cùng đẩy tất cả vào thế rủi ro, còn lợi nhuận thực thì chui vào túi “ông chủ”.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho rằng, nhà đầu tư quá tham lợi nhuận mà quên đi rủ ro đang rình rập, khi Alibaba vẽ ra cam kết có sổ, mua lại sản phẩm và đưa ra mức lợi nhuận theo quý, theo năm lên tới hơn 28%.

Đẩy rủi ro cho nhà đầu tư

Rất nhiều nhà đầu tư cho biết, khi lên Công ty đòi lại tiền hoặc hỏi pháp lý đất dự án, địa diện Alibaba đã nói là dự án hình thành trong tương lai, nên chỉ có thể cung cấp hồ sơ trong… tương lai.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, UBND tỉnh này đã phải họp báo để khẳng định, tỉnh cũng như các huyện chưa cấp phép bất kỳ dự án nào cho Alibaba. 27 dự án trên địa phương là do Alibaba tự đặt tên, vẽ bản đồ phân lô, quảng cáo rồi bán cho khách hàng.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 7/2019, chính quyền huyện Tân Thành và xã Châu Pha phải đưa lực lượng với hơn 100 người xuống cưỡng chế “Dự án Alibaba Tân Thành Center City 1” trên diện tích hơn 130.000 m2.

Chủ tịch thị xã Phú Mỹ (cũng huyện Tân Thành) khẳng định, Alibaba có 8 dự án rao bán, nhưng thực là đất nông nghiệp, không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng, chưa được nghiệm thu hạ tầng, tách thửa.

Công an tỉnh Bình Thuận cũng vừa có văn bản khẳng định, từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến chủ trương chấp thuận đầu tư, xây dựng dự án của Alibaba. Do vậy, việc Alibaba rao trên mạng phân lô, bán nền “Dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City” là không có căn cứ.

Theo đúc kết của giới kinh doanh bất động sản, Alibaba khiến nhà đầu tư (gồm cả nhân viên của công ty này) “dính” vào 3 loại giao dịch đất dễ mất sạch tiền.

Thứ nhất, chiêu huy động vốn theo phương pháp Ponzi (lấy tiền người này để trả cho người khác - một hình thức đa cấp). Họ cố tình chào bán đất chưa đủ điều kiện kinh doanh. Người lỡ mua sản phẩm bất động sản rủi ro tiếp tục bán đi cho người khác.

Thứ hai, đánh vào lòng tham của nhà đầu tư bằng thủ thuật bánh vẽ dự án, bánh vẽ quy hoạch, viễn cảnh hạ tầng hoàn thiện.

Thứ ba, chuyển nhượng hợp đồng đóng cọc từ người này sang người khác, trong khi chỉ có hợp đồng mua bán mới an toàn với nhà đầu tư.

Từ câu chuyện của Alibaba, có lẽ, nhà đầu tư phải luôn  thuộc lòng nguyên tắc rằng, để có thể giao dịch trên thị trường, một sản phẩm bất động sản phải đáp ứng hàng loạt điều kiện theo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở.

Trong 3 năm, Alibaba lừa hơn 2.500 tỷ đồng

Chiều ngày 20/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Công an TP.HCM phối hợp khám xét Công ty cổ phần Địa ốc Chiến Binh Thép (tại quận 9) và Văn phòng đại diện của Alibaba tại quận Thủ Đức (TP.HCM). Việc khám xét hai văn phòng khá nhanh, chỉ diễn ra trong vòng 4 tiếng.

Cũng trong ngày 20/9, đã có hơn 500 khách hàng tới Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP.HCM) để tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo.

Sáng ngày 21/9, hàng trăm khách hàng tiếp tục tới Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, theo kết quả điều tra tính đến ngày 20/9, công an đã xác định, chỉ hơn 3 năm hoạt động, Công ty Alibaba lừa gần 7.000 khách hàng, thu hơn 2.500 tỷ đồng.
Công an TP.HCM tiếp tục nhận đơn trình báo của người dân liên quan đến Alibaba
Đầu giờ chiều ngày hôm nay (21/9), Công an TP.HCM đã tiếp tục nhận đơn trình báo của người dân, là khách hàng của Công ty cổ phần địa ốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư