Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Địa phương không chịu chuyển giao doanh nghiệp về SCIC
Mạnh Bôn - 17/08/2018 08:47
 
Mặc dù Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC cho biết, việc chuyển giao doanh nghiệp diễn ra rất chậm.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, việc thực hiện chuyển giao doanh nghiệp từ các bộ, ngành, địa phương về SCIC tiến triển ra sao?

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 6 bộ và 16 địa phương chuyển giao về SCIC 62 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước trên 11.200 tỷ đồng để SCIC triển khai bán phần vốn nhà nước tại các đơn vị này. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi mới chỉ tiếp nhận được 25 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 862,48 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng.

.
.

Đáng nói là, trong 6 tháng đầu năm 2018, SCIC chỉ tiếp nhận được 5 doanh nghiệp trong tổng số 45 doanh nghiệp theo kế hoạch tiếp nhận năm 2018. Hiện tại, 5 bộ và 8 địa phương đang giữ quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 37 doanh nghiệp vẫn chưa chịu chuyển giao về SCIC theo yêu cầu của Thủ tướng.

Trước sự chậm trễ này, SCIC đã có động thái gì?

SCIC đã chủ động, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thành lập 6 đoàn công tác làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương. Bản thân SCIC cũng chủ động làm việc trực tiếp với doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng kết quả không được như mong muốn, thậm chí có nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành mọi thủ tục, đáng ra phải bàn giao về SCIC trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, nhưng cuối cùng vẫn không bàn giao.

Chúng tôi đã tổng hợp, báo cáo vấn đề này lên Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, chứ SCIC không có quyền ép buộc bàn giao, vì SCIC cũng chỉ là doanh nghiệp, không có quyền yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bàn giao doanh nghiệp.

Theo ông, vì sao các bộ, ngành, địa phương không chịu chuyển giao doanh nghiệp về SCIC?

Cơ sở pháp lý về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC đã đầy đủ. Đó là Nghị quyết 60/2018/QH14 của Quốc hội yêu cầu khẩn trương bàn giao phần vốn nhà nước về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Nghị định 147/2017/NĐ-CP quy định, SCIC thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các loại hình doanh nghiệp. Quyết định 1232/QĐ-TTg yêu cầu nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Thông tư 118/2014/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể việc chuyển giao doanh nghiệp về SCIC, thậm chí, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành Công văn 4918/VPCP-ĐMDN hối thúc việc bàn giao doanh nghiệp.

Đặc biệt, Nghị định 147/2017/NĐ-CP đã quy định, SCIC thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước (không bao gồm công ty nông, lâm nghiệp; doanh nghiệp hoạt động chủ yếu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; công ty xổ số kiến thiết và một số doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) tại công ty TNHH, công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập trực thuộc bộ ngành, UBND cấp tỉnh; công ty liên doanh có vốn góp nhà nước do bộ, ngành, UBND cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu. Đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các trường hợp khác, việc chuyển giao thực hiện theo Quyết định hoặc văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ sở pháp lý về việc chuyển giao doanh nghiệp từ bộ, ngành, địa phương về SCIC đã đầy đủ, còn tại sao các bộ, ngành, địa phương chưa chịu bàn giao, thì phải hỏi chính các cơ quan này vì SCIC mặc dù là doanh nghiệp đặc biệt, nhưng cũng chỉ là doanh nghiệp, nên không có quyền hối thúc, yêu cầu bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao.

Theo Luật Ngân sách nhà nước, thu ngân sách địa phương còn có nguồn từ cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn góp của Nhà nước do UBND cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu; lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước do UBND cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu. Ông có nghĩ rằng, chính vì quy định này mà địa phương không muốn bàn giao doanh nghiệp vì bàn giao sẽ mất nguồn thu?

SCIC đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn Phòng Chính phủ liên quan đến nội dung này. Sắp tới, Chính phủ sẽ có hướng dẫn, giải thích rõ hơn để tránh trường hợp địa phương không chịu bàn giao doanh nghiệp về SCIC do lo ngại ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm trong giai đoạn 2017 - 2020, các địa phương bắt buộc phải thoái vốn theo quy định và khi đã thoái vốn rồi thì nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp có vốn góp nhà nước cũng chẳng còn nhiều, nên tiến trình bàn giao doanh nghiệp hy vọng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Trong nhiều trường hợp, việc chậm chuyển giao doanh nghiệp là do Thông tư 118/2014/TT-BTC còn có vướng mắc trong quy định về xử lý tài chính Bộ Tài chính sẽ sớm sửa đổi, bổ sung thông tư này.

Ngoài tiếp nhận doanh nghiệp, SCIC còn có trách nhiệm thoái vốn tại các doanh nghiệp tiếp nhận. Thưa ông, hoạt động thoái vốn có khả quan không?

Sau 12 năm chính thức đi vào hoạt động, có thể nói, hoạt động bán vốn của SCIC đạt hiệu quả khá cao, thu về cho Nhà nước gấp 3,5 lần so với giá vốn bán ra, cao hơn kết quả bán vốn trên toàn quốc (1,48 lần/giá vốn).

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp do SCIC làm đại diện chủ sở hữu đạt 2.669 tỷ đồng. Đặc biệt là thương vụ bán đấu giá thành công gần 24.140.000 cổ phần tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh với giá trị 96.500 đồng/cổ phiếu, thu về cho Nhà nước 2.330 tỷ đồng, cao hơn giá vốn 2.182 tỷ đồng.

Thương vụ bán vốn nhà nước tại Nhựa Bình Minh đã được Diễn đàn M&A năm 2018 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức vinh danh là một trong những thương vụ tiêu biểu trong năm. Năm ngoái, thương vụ thoái vốn thành công tại Vinamilk do SCIC thực hiện cũng được Diễn đàn M&A năm 2017 vinh danh là thương vụ tiêu biểu trong năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư