Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
“Đích ngắm” thương mại hóa 5G là doanh nghiệp
Tú Ân - 17/09/2024 08:36
 
Cung cấp dịch vụ 5G cho doanh nghiệp sẽ là hướng thương mại hóa 5G hiệu quả dành cho nhà mạng.
Dự kiến, 5G chiếm khoảng 60% tổng số thuê bao di động vào cuối năm 2029.

Cung cấp các ứng dụng số mới

Báo cáo di động (Mobility Report) của Ericsson vừa công bố cho thấy, hiện có khoảng 300 nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) trên thế giới cung cấp dịch vụ 5G, trong đó khoảng 50 CSP triển khai 5G độc lập (5G SA). 5G tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở tất cả các khu vực, dự kiến chiếm khoảng 60% tổng số thuê bao di động vào cuối năm 2029.

Tại Việt Nam, mục tiêu thương mại hóa 5G ngay trong năm 2024 đã được đặt ra. Đến nay, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đang gấp rút xây dựng hạ tầng mạng lưới 5G để kịp tiến độ.

Vấn đề của các nhà mạng là vừa phải đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước khi đấu thầu tần số 5G, vừa đáp ứng bài toán đầu tư, kinh doanh. Bởi nếu như với mạng 2G, 3G và 4G, khách hàng của các nhà mạng chủ yếu là người dân (mô hình B2C), thì với 5G, khách hàng lại chủ yếu là doanh nghiệp (mô hình B2B). Nên yêu cầu đặt ra với các nhà mạng là phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, các ngành.

Theo bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam, các ngành sản xuất có lợi ích lớn nhất khi ứng dụng 5G. Ví dụ như giải pháp nhà máy thông minh 5G sử dụng năng lượng tái tạo và nền tảng 5G giúp tăng năng suất lên tới 60%, giảm rác thải tới 32% và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Các ngành khác cũng có thể ứng dụng 5G, mang lại hiệu quả cao như cảng, khai mỏ, logistics… Việc ứng dụng mạng 5G riêng (5G Private Network) sẽ thúc đẩy tự động hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động, kiểm soát chi phí. 5G Private Network cũng là ứng cử viên tiềm năng trong lĩnh vực thành phố thông minh, nhất là khi Việt Nam dự kiến triển khai 100 thành phố thông minh trong thời gian tới.

“Lợi ích mà 5G mang lại cho các nhà sản xuất rất lớn, giúp nâng cao năng suất hoạt động thông qua tự động hóa, tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, để khai thác đầy đủ công nghệ 5G, sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và các nhà cung cấp giải pháp là vô cùng quan trọng. Các nhà mạng ngoài việc cung cấp kết nối, còn triển khai mạng 5G riêng ở các nhà máy và xây dựng các Use Case. Việc này đòi hỏi nhà mạng cần có kiến thức chuyên ngành trong các lĩnh vực cung cấp giải pháp như sản xuất”, bà Rita Mokbel cho biết.

Ông David Wang, Chủ tịch HĐQT hạ tầng ICT của Huawei chia sẻ: “Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng lợi ích thương mại thứ hai khi số lượng thiết bị và người dùng kết nối với mạng 5G không ngừng tăng trưởng. Các dịch vụ và ứng dụng không chỉ tập trung vào một số ngành công nghiệp nhất định, mà trải dài trên khắp mọi lĩnh vực. Các mô hình kinh doanh mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và nâng cấp các ngành công nghiệp”.

Nhấn mạnh mục tiêu thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu nhà mạng vừa dùng 5G để nâng cao chất lượng dịch vụ di động, nhưng cũng dùng 5G để triển khai những dịch vụ mới, nhất là cho các khu công nghiệp, nhà máy. Nhà mạng làm nền tảng và hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số để cung cấp các ứng dụng số mới.

Hướng đến khách hàng doanh nghiệp

Sau khi có tần số 5G, MobiFone định hướng phát triển các ứng dụng trên 5G phục vụ nhu cầu giải trí, công nghiệp, trong đó có giải pháp cho cảng thông minh, nhà máy thông minh; phục vụ chuyển đổi số giáo dục (MobiEdu - ứng dụng về học tập, giải pháp trường học trực tuyến); hệ sinh thái y tế số; nông nghiệp số…

Hiện trên thế giới có trên 200 nhà mạng tại 83 quốc gia và vùng lãnh thổ thương mại hóa dịch vụ 5G, chiếm gần 28% số nhà mạng đang hoạt động.

Tại khu vực Đông Nam Á có 6 nước thương mại hóa dịch vụ 5G là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei. Còn tại Trung Quốc, số trạm BTS 5G đã lên đến trên 3,2 triệu, hơn 30.000 giải pháp 5G công nghiệp được ứng dụng rộng rãi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số của nước này.

Theo ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone, MobiFone sẽ phát sóng thử nghiệm thương mại, sau đó thực hiện các dự án 5G, thiết bị, dự kiến tháng 2/2025 sẽ công bố dịch vụ 5G. Các dịch vụ cung cấp pha đầu gồm có: dịch vụ trên nền tảng công nghệ eMBB (gói cước tốc độ cao, video OTT…) và công nghệ NSA (non-standalone), dịch vụ truy cập vô tuyến cố định. Các dịch vụ tiếp tục cung cấp pha tiếp theo sẽ là B2C (Cloud phone, New calling, cloud gaming), B2B (du lịch thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, cảng biển thông minh, khai thác thông minh) theo định hướng kết hợp công nghệ 5G, AI và điện toán đám mây.

Còn Viettel cho biết, sẽ cung cấp hàng loạt dịch vụ 5G dành cho doanh nghiệp như Quality on Demand (gói cước may đo riêng cho doanh nghiệp); dịch vụ Internet không dây 5G (5G FWA-Fixed Wireless Access có thể thay thế cho dịch vụ Internet cáp quang); dịch vụ mạng di động dùng riêng (5G Private Mobile Network) phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp tại các nhà máy, khu công nghiệp, cảng biển…

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Đào Xuân Vũ chia sẻ, Viettel xác định triển khai mạng 5G với quy mô rộng, nhằm tạo nền tảng hạ tầng để kiến tạo kinh tế số, công nghiệp số, xã hội số, đáp ứng nhu cầu phát triển của mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, Viettel sẽ hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng để triển khai hệ sinh thái ứng dụng 5G trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, giải trí…, qua đó tạo ra động lực mới, giúp tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

Với VNPT, nhà mạng này sẽ tập trung triển khai 5G ở những khu vực đòi hỏi sự tương tác cao, giao tiếp qua mạng bằng thời gian thực. Phát triển 5G sẽ theo hướng B2B, tập trung mạnh việc cung cấp dịch vụ cho đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp chuyên biệt như khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển, với những yêu cầu khác biệt về tốc độ, mật độ thiết bị, độ trễ…

Ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc VNPT cho hay, 5G kết hợp cùng với điện toán biên cho phép các doanh nghiệp xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn hơn, với chi phí tối ưu. Sử dụng 5G có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và giá trị khi họ được trang bị tốt hơn để kiếm tiền từ lượng dữ liệu khổng lồ. Sự phát triển về công nghệ, được hỗ trợ bởi 5G, sẽ mở rộng hệ sinh thái di động sang các ngành công nghiệp mới.

Thương mại hóa 5G: Bài toán kinh doanh ngàn tỷ
Việc trúng đấu giá băng tần mới chỉ là khởi đầu của việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư