Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điểm sáng thu hút đầu tư Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Huỳnh Huy - 09/08/2018 11:13
 
Với chủ đề "Tiền Giang: Cơ hội đầu tư - đồng hành phát triển", Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tiền Giang 2018 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Với khoảng trên 500 đại biểu (khoảng 1/10 đại biểu là khách nước ngoài) tham dự, hứa hẹn sẽ thu được nhiều kết quả tích cực trong mời gọi đầu tư vào địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Những tín hiệu khả quan

Qua nửa nhiệm kỳ 2016 - 2020, Tiền Giang có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 8,3%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 15%/năm, bình quân đạt 2,6 tỷ USD/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Trong năm 2016, tỉnh đã chấp thuận cho 26 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư và đăng ký tăng vốn là 8.004 tỷ đồng; đến năm 2017 tiếp tục thu hút được 17 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 3.999 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh thu hút được 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 7.037 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ...

Toàn cảnh TP. Mỹ Tho - thủ phủ tỉnh Tiền Giang
Toàn cảnh TP. Mỹ Tho - thủ phủ tỉnh Tiền Giang

Theo kế hoạch, trong năm nay, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư góp phần tăng thu ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu có 730 doanh nghiệp thành lập mới.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Tiền Giang có nhiều cố gắng vượt bậc so với các tỉnh trong vùng. Năm 2016 tỉnh đã thu hút mới được 20 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 407,4 triệu USD, đạt hơn 27% so với mục tiêu của nhiệm kỳ 2016 - 2020. Đến cuối năm 2017 có 109 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.990 triệu USD, đóng góp hàng năm cho ngân sách 95,9 triệu USD, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 60.000 tỷ đồng. Hiện thu hút FDI của tỉnh đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau Long An, Kiên Giang và Trà Vinh.

Chuẩn bị mặt bằng sạch đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư là việc quan tâm hàng đầu của Tiền Giang. Tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083 ha, có 4 khu đã đi vào hoạt động. Trên địa bàn tỉnh còn có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch, 4 cụm với tổng diện tích 109 ha đã đi vào hoạt động.

Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các ngành cùng phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp: An Thạnh 2, Gia Thuận 1, Gia Thuận 2, hoàn thành các thủ tục về môi trường, đất đai để triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị sẵn mặt bằng để mời gọi đầu tư thứ cấp, chỉ đạo hoàn tất các thủ tục tiếp nhận khu đất Soài Rạp để mời gọi đầu tư hạ tầng, sử dụng hiệu quả quỹ đất được giao, tạo sức bật mới cho vùng kinh tế biển nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung.

Bên cạnh đó, Tiền Giang tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cho nhà đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tỉnh cũng khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản.

Thu hút đầu tư vào các vùng kinh tế động lực

Từ quan điểm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, huy động nguồn lực cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, từ đầu năm 2018 đến nay, Tiền Giang đã triển khai khá nhiều giải pháp, công việc cụ thể, thiết thực.

Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đề án xã hội hóa, thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ gắn với triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, thực thi đầy đủ chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh...

Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vào quý I và quý II/2018 đối với cộng đồng doanh nghiệp vùng phía Đông và vùng trung tâm; thành lập Hội đồng Hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp. Triển khai mạnh mẽ các giải pháp vận động chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; triển khai kế hoạch số hóa thông tin, tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh đăng ký doanh nghiệp qua mạng, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.

Nhờ đó, từ đầu năm đến nay đã có thêm 368 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 2.582 tỷ đồng, tăng 31,5% về số doanh nghiệp và 89% về vốn đăng ký. Đặc biệt, quy mô đầu tư đã gia tăng đáng kể, vốn đầu tư bình quân 7 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 1,4 lần quy mô bình quân của doanh nghiệp thành lập mới của cùng kỳ năm trước (5 tỷ đồng/doanh nghiệp). Bên cạnh đó, có 128 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm là 1.336 tỷ đồng, tăng 41% về số doanh nghiệp và tăng 179 lần về vốn so cùng kỳ.

Riêng 6 tháng đầu năm nay, thu hút đầu tư vào 3 vùng kinh tế động lực của Tiền Giang rất lạc quan: vùng phía Tây có thêm 8 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.575 tỷ đồng và 2 dự án đăng ký tăng vốn 190 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút được 6.765 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so cùng kỳ.

Vùng Trung tâm thu hút được 7 dự án với vốn đầu tư đăng ký 315 tỷ đồng và có 1 dự án đăng ký tăng vốn 23 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút được 338 tỷ đồng, bằng 46% so cùng kỳ.

Vùng phía Đông thu hút được 3 dự án với vốn đầu tư đăng ký 148 tỷ đồng, tăng gấp 8,8 lần so với cùng kỳ - một dấu hiệu cho thấy lợi thế hạ tầng và cửa ngõ thứ hai của tỉnh đã bắt đầu có dấu hiệu lạc quan để nhanh chóng vươn lên, góp phần giải quyết việc làm cho 10.172 lao động (tăng 2,6% so với cùng kỳ).

Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, phấn đấu cuối năm 2018, Tiền Giang thu hút trên 730 doanh nghiệp như mục tiêu đề ra. Hiện các ngành của tỉnh đang tích cực xây dựng, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế với cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc quản lý hộ kinh doanh cá thể; xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch chuẩn hóa dữ liệu đăng ký hộ kinh doanh giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; triển khai hoạt động của Hội đồng Hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập Quỹ khởi nghiệp.

Tiền Giang xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh nhanh nhất cả nước

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh của tỉnh Tiền Giang tiếp tục được rút ngắn và nhanh nhất so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể, thời gian giải quyết hồ sơ thành lập doanh nghiệp mới của Tiền Giang giảm từ 1,22 ngày năm 2016 xuống còn 0,81 ngày làm việc trong năm 2017; thời gian xử lý hồ sơ thay đổi từ 0,99 ngày làm việc năm 2016 xuống còn 0,49 ngày làm việc trong năm 2017.

Cùng với đó, Tiền Giang tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đăng ký thành lập mới, thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh qua mạng (phấn đấu trong năm nay, tỷ lệ đăng ký kinh doanh trực tuyến đạt 20% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký), mục tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp sớm gia nhập thị trường.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo công tác rà soát dữ liệu doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để cập nhật thông tin và kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp theo đúng quy định...

Một công việc mang tính thường xuyên của các cơ quan hành chính, được UBND tỉnh đặt lên hàng đầu là kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp trên cơ sở tăng cường đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp, hộ kinh doanh..., tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh (trong đó có việc cải cách thuế, phấn đấu thời gian nộp thuế xuống còn 119 giờ/năm).

Tỉnh đã mở chuyên mục "Đối thoại doanh nghiệp" trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và công bố đường dây nóng của các sở, ban, ngành trên trang dịch vụ hành chính công "Một cửa điện tử" để tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Chính từ sự minh bạch, công khai này đã góp phần kiến tạo, bồi đắp lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào môi trường đầu tư - kinh doanh của Tiền Giang, mà thực tế kết quả trên là minh chứng.

Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên, định kỳ giữa lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện với các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm thông tin kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phổ biến đến doanh nghiệp các quy định mới, một số nội dung cải cách quan trọng liên quan đến môi trường đầu tư; giải quyết nhanh chóng các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư