Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF): Doanh nghiệp trông vào chất lượng điều hành
Kỳ Thành - 23/02/2022 08:28
 
Những khuyến nghị mà cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) đã nhận được cam kết xử lý của các bộ, ngành.
Các đại biểu trao đổi bên lề VBF. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp lo ngại nhất là các thủ tục, quy định khó khăn

Khảo sát doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2021 cho thấy, có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch. Mặc dù vậy, nhờ những điều chỉnh chính sách kịp thời của Chính phủ, việc triển khai của chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn có những điểm sáng trong bối cảnh đầy khó khăn.

Tuy nhiên, theo các ý kiến chia sẻ tại VBF diễn ra đầu tuần này, thì trên thực tế, việc vận dụng các quy định, chính sách ở các địa phương vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Một số quy định trong các văn bản vẫn còn mâu thuẫn nhau, gây khó khăn trong quá trình áp dụng, hay khiến việc áp dụng không thống nhất, gây mất bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Đề cập thực trạng, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI cho biết, vẫn có nhiều tồn tại như một số thủ tục chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến hay sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong quá trình đăng ký và phê duyệt, một số thủ tục nộp hồ sơ đăng ký và xin phê duyệt vẫn đòi hỏi phải nộp bản gốc bằng văn bản...

Dịch bệnh thời gian qua vừa là khó khăn, nhưng là cơ hội để đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Do đó, đại diện VCCI đề nghị Chính phủ đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 ở hầu hết các thủ tục hành chính, tiến tới mục tiêu giải quyết hoàn toàn các thủ tục hành chính với doanh nghiệp và người dân trên môi trường mạng.

Nhấn mạnh vấn đề năng lượng, đại diện Các Hiệp hội thành viên liên kết cho biết, sau Hội nghị thường niên lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam sẽ cần xem xét các xu hướng và cơ hội về năng lượng tái tạo trong phiên bản sắp tới để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII cũng như trong một số quy hoạch khác và cơ chế thực hiện để triển khai Quy hoạch điện VIII.

Trong bối cảnh đó, dù vẫn còn những khó khăn trước mắt, chúng tôi khuyến khích Chính phủ tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng, thúc đẩy công nghệ lưu trữ năng lượng bằng pin và năng lượng hydro.

Một trong những cân nhắc ưu tiên nên là quy định rõ ràng đối với các trang trại điện gió vẫn đang trong quá trình xây dựng và không kịp vận hành thương mại trước thời hạn đề ra để được hưởng cơ chế giá FiT ưu đãi do đại dịch Covid-19 để hỗ trợ tiếp tục hoàn thành các dự án đó và tận dụng các nguồn lực kinh tế đã đầu tư cho thị trường năng lượng.

“Chúng tôi đánh giá cao những chính sách và quy định mà Thủ tướng và Chính phủ đã đưa ra giúp giảm nhẹ tác động của khó khăn kinh tế do đại dịch, trong khi vẫn duy trì các biện pháp phòng chống Covid-19 và khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, điều không kém phần quan trọng, nếu không nói là quan trọng hơn, đó là đảm bảo những chính sách hỗ trợ và ưu đãi đó được triển khai trên thực tế”, đại diện Các Hiệp hội thành viên liên kết bày tỏ.

Lời hứa từ các bộ, ngành

Trước các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã có những phản hồi khẳng định tinh thần chia sẻ và sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp.

Các bộ, ngành tỏ rõ cam kết thực hiện thống nhất, thông suốt, đồng bộ trong việc giải thích và áp dụng pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và các pháp luật liên quan khác cùng các hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục đầu tư..., nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cơ quan này đang rà soát Quy hoạch điện VII, xây dựng Quy hoạch điện VIII, trên tinh thần chuyển đổi xanh sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và dừng dự án điện sử dụng nhiên liệu than, hóa thạch. Bộ sẽ tính toán để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện quy hoạch, đảm bảo cân đối vùng miền để đảm bảo sự phát triển của các vùng.

“Chúng tôi cam kết sẽ hành động quyết liệt. Dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII sẽ tham khảo ý kiến của các nhóm doanh nghiệp”, ông Tân nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã ghi nhận đầy đủ và sẽ có báo cáo với Thủ tướng về phương án xử lý, giải quyết các vấn đề được nêu ra. “Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường, cải cách thủ tục hành chính, cố gắng để đạt mức cao nhất là mức độ 4, nhằm đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan”, ông Chi nói.

Chia sẻ tại VBF, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của cả Chính phủ và doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ,” “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.

VBF: Dư địa hợp tác, đầu tư kinh tế số rất rộng mở
Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo, vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực CNTT đạt 4 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư