Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sẽ xoay quanh năng lực nội sinh của nền kinh tế
Khánh Linh - 17/09/2023 13:04
 
Bàn đến tăng cường năng lực nội sinh, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chờ đợi nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Họp báo công bố chương trình, nội dung Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sáng 17/9. Ảnh: quochoi.vn

"Sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia Diễn đàn năm nay", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư tại Cuộc họp báo công bố chương trình, nội dung Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, sáng 17/9.

“Chủ đề của Diễn đàn năm nay được chọn là tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững, vai trò của doanh nghiệp vô cùng quan trọng, vừa là đối tượng thực thi chính sách, vừa là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Ngoài báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn năm nay sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia”, ông Thanh cho biết.

Một trong 2 phiên họp chuyên đề của Diễn đàn sẽ thảo luận quanh chủ đề: Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Trong chương trình dự kiến, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh là người chủ trì Chuyên đề này.

“Chúng tôi chờ đợi các ý kiến của doanh nghiệp trong phần trao đổi của Diễn đàn. Cùng với ý kiến của các chuyên gia, nhà kinh tế, các ý kiến từ doanh nghiệp sẽ được tổng hợp, nghiên cứu đưa vào Báo cáo chung của Diễn đàn. Đây cũng là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sắp tới”, ông Thanh đặt kỳ vọng.

Trong 2 kỳ Diễn đàn trước, diễn ra vào các năm 2021, 2022, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được nghiên cứu, tổng hợp, đưa vào các nghị quyết của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt, đồng thời thúc đẩy các giải pháp phát triển dài hạn của nền kinh tế. Có thể kể tới Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 6 công trình giao thông quan trọng quốc gia được Quốc hội bấm nút...

Hiện tại, tình hình trong nước, quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, những điểm nghẽn, tồn tại của nội tại nền kinh tế tiếp tục bộc lộ, tăng trường kinh tế có dấu hiệu chậm lại, hoạt động đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước cũng có dấu hiệu tương tự. Sau hơn 2 năm Covid, sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn, giờ lại thêm khó khăn thiếu đơn hàng...

 "Việc tháo gỡ điểm nghẽn trước mắt là vô cùng cần thiết, nhưng đặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của kinh tế số, kinh tế xanh, cần kiến tạo động lực mới cho tăng trưởng mới, các kiến giải, kế sách mới, để giúp chúng ta phục hồi và tăng trưởng bền vững", ông Thanh nhấn mạnh.

Chia sẻ tại cuộc họp báo, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng làm rõ, các thảo luận không chỉ đặt trong bối cảnh của năm 2023 mà là năm giữa nhiệm kỳ 2021-2025, là năm thứ hai thực hiện Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế.

"Bàn đến các vấn đề cấp bách để tăng cường năng lực nội sinh, giải quyết khó khăn trong đầu tư công, đầu tư tư nhân, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cũng để nhận diện rào cản, nút thắt trong tăng trưởng, phát triển, để làm rõ các giải pháp dài hạn, như năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế biến - chế tạo trong GDP...”, ông Hiển nói và nhắc đến tình trạng 16/24 ngành cấp 2 của nền kinh tế đang phụ thuộc vào khu vực FDI, tương tự, tỷ trọng của khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn cao, trong khi sự hợp tác, chuyển giao giữa hai khu vực này còn hạn chế.

Ngoài chuyên đề trên, phiên họp chuyên đề thứ hai có chủ đề Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới. Phiên họp toàn thể và Tọa đàm cấp cao có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 tập trung trao đổi, thảo luận 4 nhóm nội dung.

Thứ nhất, làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.

Thứ hai, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021-2023. Nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các vấn đề của thị trường đầu vào – đầu ra, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của nền kinh tế, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính – tiền tệ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, lao động việc làm, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp trước mắt và dài hạn.

Thứ ba, rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021-2025 và một số nghị quyết liên quan khác….; trong đó làm rõ các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm.

Thứ tư, phát hiện, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển; đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong nguyên tắc, phương thức, cách thức điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sẽ diễn ra cả ngày 19/9, do 4 cơ quan chủ trì, gồm: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Dự kiến có khoảng hơn 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự, phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự và chủ trì Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sẽ diễn ra ngày 19/9/2023.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư