Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Diện mạo mới của ngành y tế Cần Thơ
Hoàng Ân - 28/02/2015 09:43
 
Năm 2014 là năm thứ tư, Sở Y tế Cần Thơ thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XII và thực hiện Kế hoạch Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân TP. Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2015 tầm nhìn 2020. Bước đầu, ngành y tế Cần Thơ đã gặt hái một số thành công nhất định và có diện mạo mới.
TIN LIÊN QUAN

Diện mạo mới của ngành y tế Cần Thơ

Nỗ lực cải cách để phục vụ bệnh nhân tốt hơn

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Y tế, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Cần Thơ, ngành y tế tỉnh đã nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; hoàn thành các chỉ tiêu được HĐND, UBND Thành phố giao.

Diện mạo mới của ngành y tế Cần Thơ
Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ

Bộ Y tế đánh giá, Sở Y tế Cần Thơ đã không ngừng cải cách hành chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; các chỉ tiêu về công tác khám, chữa bệnh hầu hết thực hiện đạt kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh trong toàn ngành đạt trên 100%. Đồng thời, ngành luôn quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp hoàn thiện mạng lưới y tế, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở y tế, mua sắm trang thiết bị chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ việc khám và chữa bệnh cho nhân dân.

Năm 2014, Thành phố có 123 cơ sở y tế (kể cả trạm y tế) với 3.918 giường bệnh, đạt tỷ lệ 31,52 gường/10.000 dân.

Sở Y tế đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh: quy trình khám chữa bệnh cải tiến theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mức độ hài lòng của người bệnh tăng dần, giảm áp lực quá tải tại khu vực khám bệnh ngoại trú, thủ tục nhanh gọn, không những giúp nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, mà còn nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Áp dụng cải tiến quy trình khám, chữa bệnh theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Kết quả là, đến nay, các bệnh viện đều có xây dựng sơ đồ khám, chữa bệnh, giúp người bệnh dễ dàng tự đến các phòng khám, cận lâm sàng, thu viện phí và lãnh thuốc. Một số bệnh viện bố trí thêm khu vực, bàn tư vấn cho người bệnh như bắt số tự động, bảng theo dõi điện tử tại các phòng khám, kê toa qua máy tính...

Hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng

Trong năm 2014, ngành y tế Cần Thơ tiếp nhận tổng cộng 13 dự án và nhiều khoản viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý là Dự án Hỗ trợ đào tạo liên tục (Hội VMVA - Thụy Sĩ) của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ; Dự án Nghiên cứu kết quả lâm sàng để so sánh hiệu quả của Bột hít Fluticason Furoate/Vilanterol 100/25mcg với giả dược về thời gian sống thêm ở những đối tượng nghiên cứu mắc bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính, ở mức độ trung bình và có tiền sử, hoặc gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch (Công ty Glaxo Smith Kline) của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ; Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV tại Việt Nam do CDC (Mỹ) phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Dự án Tăng cường nhận thức của phụ nữ về tầm soát ung thư cổ tử cung, kết hợp hỗ trợ và sàng lọc, phòng ngừa và điều trị các bệnh (Quỹ phòng chống Ung thư cổ tử cung - Australia) và Dự án Biến đổi khí hậu (Quỹ Rockerfeller - Mỹ) của Sở Y tế Cần Thơ…

TP. Cần Thơ tiếp tục duy trì hợp tác với các NGO, thực hiện các dự án hỗ trợ ngành y tế, như Dự án Tăng cường dự phòng ung thư cổ tử cung thứ cấp ở Việt Nam tại TP. Cần Thơ, các dự án về HIV/AIDS như Quỹ toàn cầu, LIFE-GAP, FHI…

Ngoài ra, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ thực hiện Dự án Nâng cao khả năng chống chịu của TP. Cần Thơ thông qua nghiên cứu và can thiệp có sự tham gia về bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh biến đổi khí hậu do Tổ chức ISET - Quỹ Rockerfeller tài trợ.

Đáng chú ý, năm qua TP. Cần Thơ tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác với Cơ quan Kinh tế Pháp, Đại sứ quán Pháp, thúc đẩy tiến độ Dự án trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa Thành phố (sử dụng vốn ODA của Pháp); phối hợp với Viện Trường CHU (Nice- Pháp) trong công tác đào tạo tập huấn và hỗ trợ dự án trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa thành phố. Ngành y tế tỉnh đang tranh thủ sự hỗ trợ trang thiết bị từ các nguốn vốn ODA cho Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi đồng, trao đổi đào tạo nguồn lực với Vương quốc Bỉ cho Bệnh viện Nhi đồng thành phố… Phối hợp với Hội Điều Dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Đại học Mahidol - Thái Lan tổ chức Hội thảo Điều dưỡng Cộng đồng: thực trạng và định hướng phát triển trong tương lai tại Việt Nam; Bệnh viện Huyết học - Truyền máu phối hợp Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore tổ chức hội thảo chuyên đề huyết học: ghép tế bào gốc tạo máu.

Khó khăn và giải pháp

Ông Cao Minh Chu, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, cho dù có những bước tiến đáng kể trong phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, khám chữa bệnh…, nhưng ngành y tế Cần Thơ vẫn đang đối mặt với những khó khăn thách thức, đòi hỏi có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn từ ngành y tế, nhà nước và cộng đồng xã hội chung tay giải quyết. Cụ thể, cơ sở vật chất một số đơn vị chật hẹp, xuống cấp;  nhiều bệnh viện khó tuyển dụng bác sỹ...

Theo ông Chu, để khắc phục những khó khăn trên, ngành y tế Cần Thơ đã đề ra 5 nhóm giải pháp khắc phục trong thời gian trước mắt, xoay quanh các vấn đề chính: năng lực quản lý ngành, chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường độ bao phủ chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng, xã hội hoá khám chữa bệnh và nhất là tăng cường nguồn lực tài chính, huy động cả trong và ngoài nước, nhằm góp phần cải thiện diện mạo và hình ảnh y tế Cần Thơ, xứng đáng dẫn đầu các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Hoàng Ân

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư