Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Điện mặt trời phấp phỏng chờ phán quyết
Thanh Hương - 18/08/2022 08:18
 
Khi nhà đầu tư dự án điện mặt trời dở dang hồi hộp ngóng chính sách tiếp theo, thì các dự án đã hoạt động đang tự kiểm kê hồ sơ để yên tâm hưởng giá mua điện tốt.
Việc phát triển ồ ạt dự án điện mặt trời thời gian qua đang để lại nhiều hệ lụy. Ảnh: Đ.T

Lúng túng chính sách tiếp nối

Khi góp ý về chính sách cho các dự án điện mặt trời dở dang, Thanh tra Chính phủ mới đây cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.400 MW, so với mức 850 MW đặt ra trong Quy hoạch (trong số này, có 131 dự án hoàn thành đưa vào vận hành, với tổng công suất là 8.642 MW) đã làm thay đổi các chỉ tiêu của Quy hoạch Điện VII điều chỉnh về tổng công suất, cơ cấu nguồn điện…, gây mất cân bằng cung - cầu theo miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải liên miền (từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc).

Cũng theo cơ quan này, việc phát triển nóng các loại hình điện gió, điện mặt trời, không đồng bộ với phát triển lưới truyền tải điện, không kịp thời giải tỏa công suất, gây khó trong vận hành, điều độ kinh tế hệ thống điện, ảnh hưởng tới vận hành các nguồn nhiệt điện than, khí… có nguyên nhân chính là công tác quản lý nhà nước về quy hoạch chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt…

Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, rủi ro về pháp lý có thể xảy ra, Bộ Công thương cần rà soát, xem xét kỹ các dự án/phần dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đến nay đã hoàn thành xây dựng, nhưng chưa vận hành thương mại; dự án của nhà đầu tư đã được cấp đất và ký hợp đồng mua sắm thiết bị; dự án đã được chấp thuận đầu tư và đã được cấp đất…

Qua đó, đánh giá mức độ ảnh hưởng để cho phép tiếp tục triển khai và đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 với cơ chế giá mua điện phù hợp, khắc phục những bất cập về giá mua điện thời gian qua; phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống lưới điện quốc gia.

Đối với các dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh còn lại, Thanh tra Chính phủ cho rằng, chỉ xem xét sau năm 2030 trên cơ sở phù hợp với hệ thống lưới truyền tải; cơ cấu phát triển nguồn điện vùng, miền; nhu cầu của nền kinh tế.

Bình luận về câu chuyện này, ông Nguyễn Bình, chuyên gia năng lượng tái tạo cho hay, tháng 9/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhắc tới trách nhiệm của Bộ Công thương nhiệm kỳ 2016-2020 liên quan đến việc thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, thực hiện bổ sung quy hoạch, quản lý phát triển năng lượng điện, nhất là các dự án điện mặt trời, điện gió; trong xây dựng cơ chế, chính sách về giá điện.

Hiện tại, Thanh tra Chính phủ lại thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch pháp luật trong quản lý, thực hiện Quy hoạch Điện VII, Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và sẽ có kết luận trong thời gian tới, kèm theo kiến nghị xử lý đối với các hạn chế, tồn tại và vi phạm trong quá trình phê duyệt và thực hiện các quy hoạch điện này.

“Trước thực tế này, dù Bộ Công thương lo ngại việc đẩy lùi các dự án/phần dự án triển khai dở dang với tổng công suất 2.428,42 MW ra sau năm 2030 dẫn tới gặp phải những rủi ro về mặt pháp lý và phải đền bù cho các nhà đầu tư, thì quyết định cuối cùng, dứt điểm về hướng xử lý cũng đầy thách thức với các cơ quan liên quan, bởi sẽ phải chịu trách nhiệm về đề xuất của mình. Đó là chưa kể, nếu được giữ lại trong Quy hoạch Điện VIII thì việc đàm phán để được bán điện với ngành điện cũng không dễ do chính sách mua điện mặt trời dù đã 20 tháng trôi qua, nhưng giờ vẫn chưa biết sẽ chốt theo hướng nào. Bên cạnh đó, hệ thống cũng đang có dấu hiệu bội thực điện mặt trời”, ông Bình nhận xét.

Dự án đã vận hành cũng nhấp nhổm?

Tại Hội nghị với các doanh nghiệp diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc tới việc phải làm rõ về giá của năng lượng tái tạo trong quá trình xem xét Quy hoạch Điện VIII.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc rằng, nếu mua theo quy hoạch, đúng các quy định của Nhà nước thì không sao, “nhưng anh không đúng quy định mà bắt phải mua thì không được, sai chồng sai. Anh đã lấn chiếm rồi mà bắt tôi đền bù sao được”.

Chỉ có chưa đầy 10 nhà máy điện mặt trời có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày 30/6/2019 - thời điểm chấm dứt hưởng mức giá mua điện mặt trời là 9,35 UScent/kWh.

Trên thực tế, hồi tháng 4/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát văn bản hỏi Bộ Xây dựng và Bộ Công thương về vướng mắc liên quan đến việc kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa vào vận hành các công trình điện tại các dự án điện mặt trời đã vận hành.

Hiện tại, nhiều dự án điện mặt trời tuy đã phát điện lên lưới, nhưng thiếu văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm các mức giá điện ưu đãi cho điện mặt trời hết hạn vào ngày 30/6/2019 và 31/12/2020.

Theo thống kê, trong các nhà máy điện mặt trời đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/1/2021 (thời điểm hết hiệu lực áp dụng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg), chỉ có 41 nhà máy điện có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đáng chú ý trong số này, chỉ có chưa đầy 10 nhà máy điện mặt trời có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày 30/6/2019 - thời điểm để chấm dứt hưởng mức giá mua điện mặt trời là 9,35 UScent/kWh.

Còn lại, tới cả trăm dự án điện mặt trời, có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày 1/1/2021 hoặc chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng vẫn đang phát điện lên lưới theo lệnh điều độ của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) và được hưởng mức giá bán điện là 9,35 UScent/kWh, hay 7,09 UScent/kWh, tùy theo thời điểm COD nhà máy.

Bởi vậy, EVN đã phải hỏi các cơ quan liên quan về cách xử lý để không tự đẩy mình vào “thế khó” vì trả tiền không đúng đối tượng được hưởng mức giá quy định, bởi EVN không phải là cơ quan quản lý để phân định và đồng thời là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nên có trách nhiệm không làm thất thoát vốn nhà nước được giao.

Lẽ dĩ nhiên, điều này cũng khiến các nhà đầu tư sở hữu các nhà máy điện mặt trời đang vận hành phấp phỏng lo cho dòng tiền của mình.

Lo khiếu kiện, Bộ Công thương đề nghị tiếp tục phát triển 6.564 MW điện mặt trời
Để tránh xảy ra khiếu kiện, đền bù cho nhà đầu tư, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ tiếp tục phát triển một số dự án điện mặt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư