Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Điều chuyển công tác Tổng kiểm toán Đinh Tiến Dũng
Hàn Tín - 15/05/2013 13:05
 
Theo Dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng nay, Quốc hội sẽ dành 1 ngày (ngày 24/5/2013) để cho ý kiến vào công tác nhân sự của Chính phủ.
TIN LIÊN QUAN

“Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã được phân công làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, vì vậy, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cũng tại buổi cho ý kiến về công tác nhân sự, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến đối với chức danh Tổng kiểm toán Nhà nước. Tổng kiểm toán Nhà nước hiện nay (ông Đinh Tiến Dũng) nếu được Quốc hội phê chuẩn sẽ đảm nhận vị trí công tác mới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Như vậy, nhiều khả năng, ông Đinh Tiến Dũng sẽ thay ông Vương Đình Huệ làm “tư lệnh” ngành tài chính.

Ông Đinh Tiến Dũng, Tổng kiểm toán Nhà nước

Ông Đinh Tiến Dũng sinh năm 1961, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI. Ngày 2/8/2011, ông được Quốc hội bầu giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước thay người tiền nhiệm là ông Vương Đình Huệ.

Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến đề nghị nên rút nội dung thảo luận và thông qua Luật Đất đai sửa đổi ra khỏi nội dung Chương trình Kỳ họp do chưa chín muồi, cần tiếp tục thảo luận, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu thì cần phải đưa Dự thảo Luật Đất đai ra Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5. Trong trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thực sự thống nhất những nội dung cơ bản của Dự thảo thì Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

“Chính phủ cũng rất muốn Quốc hội thông qua Luật Đất đai để có cơ sở pháp lý trong việc điều hành các chính sách liên quan đến đất đai. Trong trường hợp chưa thể thông qua được thì Quốc hội phải ra Nghị quyết kéo dài thời gian cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân vì thời gian cho thuê đất đã sắp hết trong khi Luật Đất đai mới lại chưa được ban hành”, ông Giàu đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đất đai là vấn đề hết sức nhạy cảm, không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, để Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống, các đại biểu Quốc hội cần phải thảo luận cho ý kiến, đến khi nào đồng thuận sẽ thông qua, hoặc là thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 hoặc là chỉ thông qua sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi.

Luật Đất đai có thông qua được tại Kỳ họp Quốc hội lần này hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Luật Đất đai rất khó có thể thông qua tại Kỳ họp này vì nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ nên rất khó đi vào cuộc sống.

“Chỉ riêng quy định về Nhà nước quyết định thu hồi đất trong Dự thảo (Điều 16) quá đơn giản trong khi thực tế thu hồi đất của dân lại vô cùng phức tạp, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh thì tương đối rõ, còn thu hồi đất của dân để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì cần phải quy định cụ thể, chi tiết thế nào là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư