Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điều kiện kinh doanh và tăng trưởng kinh tế
Bảo Duy - 10/05/2014 14:21
 
Việc Báo cáo Chỉ số kinh doanh Việt Nam 2013 (GEM Việt Nam 2013), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố, tiếp tục xếp điều kiện kinh doanh của Việt Nam ở mức trung bình đã đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm một khi muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

Sẽ không có gì đáng bàn về vị trí trung bình này, nếu như sự so sánh các chỉ số kinh doanh không dựa trên yếu tố trình độ phát triển kinh tế theo chuẩn mực của GEM toàn cầu năm 2013 (GEM 2013), với sự tham gia của 70 quốc gia, nền kinh tế.

  Để tăng trưởng kinh tế, điều kiện kinh doanh của Việt Nam cần được tiếp tục cải thiện  
  Để tăng trưởng kinh tế, điều kiện kinh doanh của Việt Nam cần được tiếp tục cải thiện  

Trong GEM 2013, Việt Nam được xếp ở nhóm phát triển dựa trên yếu tố đầu vào (nghĩa là giai đoạn I của trình độ phát triển). Trong nhóm này, khu vực châu Á chỉ có thêm Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan được xếp vào nhóm phát triển dựa trên hiệu quả (giai đoạn II).   

Giai đoạn III (phát triển dựa trên đổi mới) chủ yếu là các quốc gia EU, Bắc Mỹ. Châu Á có 4 đại diện là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.

Như vậy, vị trí trung bình của Việt Nam đang cho thấy những rào cản lớn cần phải tháo gỡ nếu Việt Nam muốn vượt nhanh lên giai đoạn phát triển tiếp theo.

Cơ sở hạ tầng là yếu tố được đánh giá cao nhất trong các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam, đạt 3,58 trên thang điểm 5. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ chỉ số này, thì lý do giúp Việt Nam ghi điểm là nhờ sự phát triển của hệ thống thông tin liên lạc với chi phí không quá cao (3,86 điểm) và nhanh chóng (4,09 điểm). Còn đường sá và điện nước - những điều kiện đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm - vẫn ở mức dưới trung bình (2,8 điểm, xếp vào nhóm nước còn lạc hậu). Đây là lý do khiến Việt Nam chỉ xếp hạng đứng vị trí 43/70 trong GEM toàn cầu năm 2013.

Trong 9 chỉ số bị đánh giá dưới điểm trung bình, 3 mức điểm thấp nhất rơi vào chỉ số chương trình hỗ trợ của Chính phủ (2,5 điểm), tài chính cho kinh doanh (2,4 điểm) và giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông (1,97 điểm). Đây cũng là những chỉ số bị đánh giá kém hơn mức trung bình của nhóm nước thuộc giai đoạn 1 của sự phát triển.

Nếu chỉ so sánh với 5 nước ASEAN là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore, duy nhất chỉ số quy định của Chính phủ được của Việt Nam được đánh giá tốt hơn, trong khi có tới 5 chỉ số bị xếp cuối cùng. Có thể thấy, các yếu tố hỗ trợ kinh doanh của Việt Nam đã bị đánh giá thấp khi so với các nước trong khu vực cũng như với các quốc gia có cùng trình độ phát triển.

Nhìn vào phân bổ các hoạt động kinh doanh theo lĩnh vực hoạt động, tỷ lệ hoạt động phục vụ doanh nghiệp của Việt Nam cũng rất thấp (đứng thứ 10 trong 13 quốc gia), nền kinh tế nhóm phát triển dựa trên yếu tố đầu vào, dựa trên nguồn lực (vốn, lao động), kém rất xa so với các nước phát triển dựa trên hiệu quả. Kết quả là tương tự khi đánh giá định hướng đổi mới trong các hoạt động kinh doanh của Việt Nam khi chỉ có chưa đến 1% các hoạt động kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao và trung bình, thấp hơn mức trung bình 1,38% của nhóm nước giai đoạn 1. Tỷ lệ này ở nhóm nước giai đoạn 2 là 3% và nhóm nước giai đoạn 3 là trên 6%.

Một yếu tố khác cũng rất đáng quan tâm là động lực khởi sự kinh doanh của người Việt Nam chủ yếu là tân dụng cơ hội kinh doanh để kiếm sống và tăng thu nhập là chính, chứ không phải vì mục tiêu phát triển bản thân hay hoàn thiện bản thân hay vì mục tiêu độc lập hơn như các quốc gia thuộc giai đoạn phát triển II và II. Điều này lý giải phần nào tỷ lệ sợ thất bại trong kinh doanh của người Việt Nam rất cao và tỷ lệ người có ý định khởi sự kinh doanh ở Việt Nam trong 3 năm tới ở mức rất thấp, kém xa so với mức trung bình của các nước cùng trình độ phát triển, khi kinh tế có nhiều dấu hiệu bất ổn.

Qua GEM 2013, những điểm yếu mang tính then chốt của Việt Nam đã bộc lộ khá rõ. Thực trạng này cho thấy, việc cải thiện vị trí trung bình của Việt Nam về điều kiện kinh doanh cần gắn với các giải pháp để đưa nền kinh tế bước sang được giai đoạn II của sự phát triển. Nếu không, khả năng Việt Nam bị xếp ở vị trí này trong những lần công bố tới sẽ rất cao.

TIN LIÊN QUAN
Số phận cửa hàng Pizza Hut và "người hùng Đồi Ngô"
Không được tự ý ban hành thêm điều kiện kinh doanh
Rút ngắn 8 lần thời gian làm thủ tục thuế
Luật Doanh nghiệp loại bỏ rào cản môi trường kinh doanh
Doanh nghiệp châu Âu mong tăng hậu kiểm, giảm "tiền kiểm"

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư