Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Định hình FDI thế hệ mới
Nguyên Đức - 17/06/2019 09:01
 
Chiến lược Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, song trên thực tế, dòng vốn FDI của thời đại 4.0 đã dần được định hình.
Ngoài Samsung, CapitaLand, còn nhiều tập đoàn lớn khác muốn đầu tư vào Việt Nam. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một nhà máy của Samsung.
Ngoài Samsung, CapitaLand, còn nhiều tập đoàn lớn khác muốn đầu tư vào Việt Nam. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một nhà máy của Samsung.

Tập đoàn lớn, công nghệ cao “nhắm” Việt Nam

Tuần qua có thể xem là một tuần đầy ắp tin vui với nền kinh tế Việt Nam, khi không chỉ nhiều quỹ đầu tư quốc tế cam kết các khoản đầu tư “khủng” vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, mà còn rất nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến điểm đến Việt Nam.

Bằng chứng khá rõ ràng, đó là chỉ trong buổi chiều ngày làm việc cuối cùng của tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp hai tập đoàn lớn. Một là Samsung, hai là CapitaLand.

Đây là hai cái tên không mấy xa lạ, bởi cả hai tập đoàn này đã có các khoản đầu tư lớn vào Việt Nam, đặc biệt là Samsung. Hiện số vốn mà Samsung đầu tư tại Việt Nam đã lên tới gần 17,4 tỷ USD. Nhưng tiếp ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ nói “tại sao không phải là 20 tỷ USD, mà chỉ là 17,4 tỷ USD”, với mong muốn tập đoàn này tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Trên thực tế, Samsung từ lâu đã có một đại kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, nếu chỉ cần thêm Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3 được cấp chứng nhận đầu tư, thì con số hoàn toàn có thể chạm ngưỡng 20 tỷ USD.

Nhưng quan trọng không kém, tại cuộc tiếp xúc, ông Choi Joo Ho đã báo cáo Thủ tướng kế hoạch xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội. Đây sẽ là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á, với quy mô 3.000 người.

R&D là lĩnh vực mà từ lâu, Việt Nam đã “ngóng đợi”. Thu hút được các dự án R&D cũng có nghĩa, Việt Nam đã “chạm” được tới cái gốc của thu hút đầu tư vào công nghệ cao.

Trong khi đó, ông Ng Kee Choe, Chủ tịch Tập đoàn CapitaLand chia sẻ rằng, CapitaLand sẽ đưa hàm lượng công nghệ cao vào các dự án đầu tư tại Việt Nam. “Đầu tư vào các dự án thành phố thông minh chính là định hướng của CapitaLand tại Việt Nam thời gian tới. CapitaLand mong muốn được đóng góp vào quá trình xây dựng các đô thị thông minh ở Việt Nam”, ông Ng Kee Choe đã nói như vậy. Đây cũng chính là lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư trong thời đại 4.0.

Không chỉ Samsung hay CapitaLand, còn nhiều tập đoàn lớn khác đang muốn đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn, Formosa nâng vốn đầu tư tổ hợp sản xuất thép tại Hà Tĩnh lên 12,78 tỷ USD. Tập đoàn Mekong châu Âu BV (MCE - Hà Lan) muốn đầu tư khoảng 250 triệu cho việc phát triển hạt điều tại Bình Phước.

Trong khi đó, Enterprize Energy (EE) cùng các đối tác của mình đang chuẩn bị cho việc khảo sát dự án điện gió ThangLong Wind ở ngoài khơi mũi Kê Gà (Bình Thuận). Nếu được triển khai, thì với công suất 3.400 MW, đây sẽ là một trong những dự án điện gió ngoài khơi có quy mô hàng đầu thế giới hiện nay. Dự án có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD và năng lượng tái tạo cũng chính là lĩnh vực mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.

30 năm thu hút FDI, Việt Nam đã thu hút được đầu tư của nhiều tập đoàn lớn. Tuy nhiên, con số 100 doanh nghiệp trong top 500 của thế giới đầu tư vào Việt Nam chưa khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hài lòng. Bởi thế, khi xây dựng Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới, một trong những ưu tiên hàng đầu được Bộ trưởng nhấn mạnh là phải thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn. Và nay, ngày càng nhiều tập đoàn lớn đang tìm đến Việt Nam.

Gia tăng kết nối

Thu hút đầu tư được của các tập đoàn lớn, công nghệ cao cũng chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu gia tăng sự kết nối, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tạo sức lan tỏa tới nền kinh tế. Khi hối thúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh mục tiêu này.

Samsung có thể coi là một trong những ví dụ điển hình cho bài toán này. Theo thông tin được ông Choi Joo Ho báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 5 tháng đầu năm nay, Samsung Việt Nam đã đạt doanh thu 28,5 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2019, Samsung Việt Nam sẽ đạt doanh thu 73,5 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 63,5 tỷ USD, tăng hơn 5% so với con số 60 tỷ USD xuất khẩu của năm ngoái. Những con số trên chắc chắn tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam.

Nhưng một thông tin khác cũng rất đáng chú ý được ông Cho Joo Ho đề cập, đó là Samsung đã vừa góp phần thu hút được một dự án sản xuất chất bán dẫn quy mô 500 triệu USD vào Bắc Giang. Đó chính là dự án của Tập đoàn Hana Micron.

Trên thực tế, không chỉ là Hana Micron, sau hơn 11 năm đầu tư lớn tại Việt Nam, kể từ dự án sản xuất điện thoại di động SEV 670 triệu USD tại Bắc Ninh, Samsung đã thu hút được một số lượng lớn các doanh nghiệp vệ tinh đầu tư vào Việt Nam. Con số lên tới hàng tỷ USD.

Các doanh nghiệp trên đã dần dần trở thành các nhà cung cấp cho Samsung, kéo theo không ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị này. Bên cạnh đó, phía Samsung cũng rất tích cực trong hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam, để làm sao ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt trở thành các nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung. Tuy nhiên, không nhiều nhà đầu tư nước ngoài làm được như Samsung. Đó có lẽ là lý do khiến ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam cần thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư như Samsung.

Khảo sát 3 doanh nghiệp Việt được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của Samsung

Ngày mai (18/6), đích thân ông Choi Joo Ho sẽ đi khảo sát 3 doanh nghiệp Việt đã nhận được sự hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của Samsung. Đó là các công ty CNC Tech, Việt Chuẩn (Hà Nội) và Thiện Mỹ (Vĩnh Phúc). Hai ngày sau đó (20/6), là các cuộc khảo sát tại Công ty Quang Điện, CNS Amura (TP.HCM) và Thiện Mỹ (Đồng Nai).

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên, Samsung tiến hành chương trình tư vấn khuôn mẫu kết hợp cùng chương trình tư vấn nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp khuôn tại Việt Nam. Đây là một trong những lĩnh vực công nghệ cao, mà nếu doanh nghiệp Việt được trở thành nhà cung ứng cho Samsung, thì sẽ tạo được bước ngoặt lớn trong mối liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội.
Hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới
Đó là nội dung được nêu tại Nghị quyết số 39/NQ-CP - Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2019.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư