Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
DN xuất ngoại: Không thiếu tiền, chỉ thiếu đối tác
Anh Hoa - Đức Luận - 16/12/2013 08:31
 
Xuất ngoại tìm đối tác đang là động thái của nhiều doanh nghiệp trong kế hoạch gây dựng cứ điểm ở nước ngoài. Nhưng vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu không phải là vốn, mà là đối tác và cách thức kinh doanh phù hợp. Đầu tư ra nước ngoài là khẳng định vị thế của VN

Từ Singapore…

“Không thiếu tiền, chỉ thiếu đối tác” là tuyên bố của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Hùng Vương (HVG) tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của HVG vừa được tổ chức mới đây.

HVG đang xúc tiến hợp tác với một đối tác Mỹ
HVG đang xúc tiến hợp tác với một đối tác Mỹ để đưa hàng vào bán
tại 16 chợ của quốc gia này

Với thông điệp rất rõ ràng trên, không bất ngờ khi đại hội này diễn ra chỉ nhằm thông qua phương án phát hành tối đa 30 triệu cổ phiếu cho đối tác là một tập đoàn siêu thị tại Singapore.

Theo đó, lượng cổ phiếu này sẽ được chào bán làm 2 đợt. Đợt 1, dự kiến trước ngày 30/6/2014 với số lượng tối đa 20 triệu cổ phiếu và đợt 2 tối đa 10 triệu cổ phiếu trước ngày 31/12/2014.

Đại hội đồng cổ đông cũng chấp thuận ủy quyền cho HĐQT đàm phán với nhà đầu tư để chốt mức giá phù hợp, nhưng không thấp hơn mức 28.000 đồng/cổ phiếu.

Cũng phải nói thêm, mặc dù chiến lược kinh doanh của HVG vẫn là chế biến thủy sản, trong đó sản xuất cá tra là cốt lõi, nhưng việc bắt tay với đối tác Singapore thể hiện định hướng mở rộng kinh doanh thương mại mà vị chủ tịch HĐQT của HVG đang đeo đuổi.

Như vậy, Singapore sẽ là cửa ngõ để HVG mở rộng thị trường khu vực Đông Nam Á.

… đến Mỹ

Nhưng điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch này của ông Minh lại nằm ở thị trường Mỹ, thị trường đang đóng góp 25% trong tổng doanh thu của HVG, tương đương 100 triệu USD. Có thể, ông chủ tịch HĐQT đang muốn tận dụng những mối quan hệ thân tình lâu năm tại đây cho mục đích thương mại của HVG.

Theo ông Minh, HVG đang xúc tiến ký kết biên bản ghi nhớ với một đối tác Mỹ về việc đưa hàng vào bán trong 16 chợ tại đây. “16 chợ này có doanh thu 700 triệu USD/năm. Khoảng 30 - 40% hàng hóa ở đây là từ Việt Nam, bao gồm thủy hải sản, nông sản, gạo và nước mắm. Điểm thuận lợi là, HVG có nhiều đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực này”, ông Minh tính toán và cho biết, đang cân nhắc cách thức hợp tác tốt nhất.

Có hai phương án đang được xem xét. Thứ nhất, HVG sẽ đầu tư vốn để sở hữu 30 - 50% các chợ này, sau đó phát triển thêm để nâng tổng số chợ lên 30 - 50 trong những năm tiếp theo. Thứ hai, HVG sẽ bán cổ phần cho đối tác Mỹ và thông qua đó, đưa hàng vào các chợ này.

Điểm đáng chú ý trong chiến lược mở rộng mặt hàng kinh doanh này là HVG sẽ không đầu tư sản xuất, mà chỉ thu mua sản phẩm ở Việt Nam để xuất bán tại Mỹ, nhằm cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. “Chúng tôi sẽ có lợi thế trong cạnh tranh vì các nhà phân phối bán lẻ ở Mỹ đang có xu hướng chuộng hàng Việt Nam hơn”, ông Minh chia sẻ với báo chí bên lề Đại hội đồng cổ đông.

Hơn nữa, uy tín của HVG đã được khẳng định trong nhiều năm qua với chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu ra thế giới luôn ổn định, được các nhà nhập khẩu, nhất là các khách hàng bán lẻ ở hệ thống siêu thị hài lòng. Hiện HVG và các công ty con đang xuất khẩu các sản phẩm cá sang nhiều nước trên thế giới, với doanh thu xuất khẩu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 3.219 tỷ đồng, chiếm 41,32% tổng doanh thu của Công ty.

Với các kế hoạch đang xúc tiến mạnh, HVG đặt mục tiêu đạt 20.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2015. Công ty sẽ nâng cấp và mở rộng lĩnh vực chế biến thức ăn (hiện có 6 nhà máy với công suất 900.000 tấn/năm) để đạt kế hoạch 1 triệu tấn/năm.

Và các cứ điểm ngoại

Cùng lúc, một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam cũng bươn bải tìm đường vươn ra thị trường nước ngoài. Hai năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng chung của thị trường trong nước bị chậm lại, ảnh hưởng đáng kể tới sự tăng trưởng của doanh nghiệp này.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, vị tổng giám đốc công ty trên cho hay, các năm trước, công ty đều đạt mức tăng trưởng chung khoảng 15-20%/năm, nhưng năm 2012, lần đầu tiên, công ty không có tăng trưởng. “Năm nay, tốc độ tăng trưởng của công ty chỉ khoảng 10%”, vị tổng giám đốc trên nói.

Do đó, để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, vị tổng giám đốc trên cho biết, sẽ phải tìm cách liên doanh, liên kết để tăng thêm sản phẩm và mở rộng ra nước ngoài. “Hai năm qua, tôi thấy lo lắng, vì phát triển chậm. Không có đột phá bằng cách liên doanh liên kết, thì khó phát triển thêm được”, ông nói.

Đối với một doanh nghiệp, thông thường, có 3 cách để mở rộng hoạt động, đó là phát triển nội lực, thông qua mua bán, sáp nhập và liên kết với các đối tác khác.

Hai hình thức sau được các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng để làm đòn bẩy khi muốn tiến nhanh và tiến xa, đặc biệt là khi dư địa cho việc phát triển bằng nội lực ngày càng hẹp, hoặc gặp trở ngại như sức mua của nền kinh tế suy giảm.

Trường hợp của doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm trên, ông tổng giám đốc tiết lộ thêm, công ty có thể liên kết với một đối tác lớn của Mỹ trong cùng ngành để tiếp nhận vốn, kỹ thuật, công nghệ để sản xuất sản phẩm tại Việt Nam và xuất sang Malaysia, Myanmar, Campuchia và Lào qua kênh phân phối của họ, đồng thời cam kết các sản phẩm của đối tác sau 3 năm sẽ được bán đại trà tại Việt Nam qua kênh phân phối của mình.

Đối tác Mỹ mà công ty trên nhắm đến, theo ông tổng giám đốc, đang muốn trở thành một đối tác đầu tư thực sự, chứ không phải là đơn thuần là hoạt động thương mại thuần túy. Được biết, đối tác này đã đầu tư hàng trăm triệu USD tại Việt Nam và công ty trên sẽ phát hành cổ phiếu cho họ.

“Do chúng tôi chưa có thương hiệu ở nước ngoài, nên việc liên kết này giúp đưa thương hiệu của chúng tôi ra nước ngoài. Nếu thương vụ này thành công, thương hiệu của chúng tôi sẽ được nâng lên, doanh thu cũng sẽ tăng gấp nhiều lần”, ông nói và cho biết, kế hoạch liên kết với một đối tác của Nga để đầu tư xây dựng nhà máy tại Moscow (Nga) sản xuất sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ đang được xúc tiến mạnh…

Cũng phải nói thêm, công ty này cũng đã từng trả 30 triệu USD để mua lại một công ty cùng ngành của Malaysia để mở rộng kênh phân phối, nhưng không thành. Ngay cả kế hoạch cùng đối tác Nhật hiện tại xây dựng nhà máy tại Việt Nam để vừa có tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam, vừa xuất đi một số thị trường khác cũng chưa đạt được. Lý do được nhắc tới là mức doanh số chưa đạt như kỳ vọng.

Rõ ràng, mở đường ra nước ngoài bằng kênh đối tác ngoại không hề đơn giản. Đúng như câu chuyện mà ông Chủ tịch HĐQT của HVG đã nói, vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu không phải là vốn, mà là đối tác và cách thức kinh doanh phù hợp.

Doanh nghiệp Việt chinh chiến xứ người
Đã qua thời chỉ biết nhận vốn đầu tư ngoại, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, nối dài sức mạnh doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư