Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Doanh nghiệp bất động sản đề nghị nới room tín dụng, NHNN nói gì?
TL - 27/07/2022 14:23
 
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay chính sách tiền tệ đang chịu rất nhiều áp lực về lạm phát, lãi suất nửa cuối năm nay.
f
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)

Lạm phát và lãi suất đang chịu áp lực lớn, NHNN thận trọng với tín dụng

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)  kiến nghị NHNN xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại ngày 31/5 là 2,33 triệu tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 12,31% so với cuối năm ngoái và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế là 9,35%. Tín dụng bất động sản tính tới hết tháng 5/2022 tăng hơn 12%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nước.

Liên quan tới câu chuyện nới room tín dụng, trao đổi với báo chí, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, đến cuối tháng 6/2022, tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm 2021, là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, do cầu tín dụng tăng nhanh ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến phục hồi tích cực của nền kinh tế.

Tuy vậy, ông Quang cho rằng, áp lực lạm phát trong nước đang tăng cao, tạo thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ để một mặt hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng mặt khác phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Hiện nay, nhu cầu tín dụng tăng cao trước quá trình phục hồi kinh tế, trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế, nên không thể chủ quan với rủi ro lạm phát.

Ngoài ra, tỷ lệ Tín dụng/GDP của Việt Nam theo IMF và WB thuộc hàng cao nhất thế giới so với các nước có điều kiện phát triển tương đồng (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức mà các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo Việt Nam về rủi ro tài chính – ngân hàng.

“Do đó, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng theo mục tiêu định hướng 14% đã đề ra và căn cứ diễn biến, tình hình thực tế để có giải pháp điều hành phù hợp nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”, ông Quang cho hay.

Vốn cho bất động sản không thể dựa vào mỗi ngân hàng  

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản, lãnh đạo NHNN cho rằng, vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng, bao gồm vốn FDI, vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ tổ chức tín dụng. Như vậy nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản.

Theo thống kê của NHNN, đến tháng 5/2022, tín dụng bất động sản tăng 12,31% so với cuối năm 2021, trong đó tín dụng bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng, chiếm tỷ trọng 66,3%.

Ngoài việc cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, thời gian qua hệ thống tổ chức tín dụng còn triển khai một số chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách, tín dụng nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP...

“Các chính sách, giải pháp được NHNN triển khai nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS nhưng vẫn đảm bảo khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở, khách hàng có phương án vay vốn hiệu quả, khả thi vẫn được thuận lợi tiếp cận vay vốn ngân hàng.

NHNN cho hay, hiện nay, các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt rủi ro kỳ hạn rất lớn do huy động vốn chủ yếu là ngắn hạn trong khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đa phần là trung, dài hạn.

Chính vì vậy, với vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, NHNN đã ban hành các quy định và thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, đồng thời cung ứng đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; từ đó lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững.

“Nhu cầu tín dụng bất động sản thường có thời hạn trung dài hạn, trong khi nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn, nên TCTD phải đối mặt với rủi ro thanh khoản và rủi ro kỳ hạn. Do đó, trong điều hành, bên cạnh việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên, NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản; khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân”, ông Quang cho biết.

NHNN cho biết, thời gian tới, để tăng cường quản lý, kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ 3giải pháp, chính sách lớn.

Một là, điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khẩn trương thực hiện các giải pháp phát triển, phục hồi KT-XH tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả gắn với chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn để mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.

Ba là, hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các VBQPPL về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện quy định pháp luật hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

HoRea: Doanh nghiệp bất động sản đang ngộp thở, lo đứt gẫy dòng vốn đầu tư
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lo lắng cảnh báo về các dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản hiện tại và đề nghị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư