Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp “co kéo” duy trì việc làm cho lao động
Nguyễn Ngân - 22/11/2022 07:43
 
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công vì thiếu đơn hàng cuối năm, vẫn có những doanh nghiệp nỗ lực duy trì việc làm để đảm bảo ổn định nhân lực, đón đầu khi thị trường phục hồi.

Chia sẻ khó khăn

Thông thường, cuối năm là mùa thu hút nhiều lao động vì nhu cầu sản xuất tăng cao, song trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, nhiều thị trường xuất khẩu cắt giảm sản lượng, dẫn tới nhiều doanh nghiệp sản xuất đưa ra thông báo cắt giảm hàng ngàn lao động do thiếu đơn hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM, qua kết quả khảo sát nhanh tại 234 doanh nghiệp có quy mô trên 200 lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao, có 83 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, chiếm tỷ lệ 35,5%, 125 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng lao động, chiếm hơn 53%.

Cũng theo ông Lâm, từ đầu năm đến nay, Sở đã nhận được phương án sắp xếp lại lao động của 22 doanh nghiệp với tổng số 1.643 lao động bị cắt giảm, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các ngành may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm.

Tương tự, ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Dương cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, số lao động bị nghỉ việc không lương trên địa bàn tỉnh ước khoảng 28.000 người, 240.000 lao động bị giảm giờ làm.

Đặc biệt, chỉ riêng tháng 10 vừa qua, số lượng lao động bị nghỉ việc không lương tăng đột biến, lên tới khoảng 14.000 người, xấp xỉ số lao động bị nghỉ việc trong cả 9 tháng trước đó. Bên cạnh đó, khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Tính đến hết tháng 9/2022, đã có 70.000 lao động tại Bình Dương lĩnh bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp cũng không thoát khỏi “cơn bão” thiếu đơn hàng, nhưng họ vẫn đang cố gắng giữ chân người lao động bằng các phương án như sắp xếp nghỉ phép năm, kéo dài thời gian nghỉ Tết lên tới 30 ngày, tùy vào tình hình thực tế. Đồng thời, để duy trì lượng lao động ổn định khi thị trường sáng sủa trở lại, nhiều chủ doanh nghiệp chủ động chia sẻ khó khăn với công nhân, thỏa thuận trả lương trong thời gian nghỉ giãn việc dựa trên tình trạng thực tế của doanh nghiệp.

Cố gắng lo Tết cho người lao động

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình kinh tế chung của thế giới, các đơn hàng của Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex tại thị trường chính là Mỹ và châu Âu đã giảm khoảng 35%.

Tuy nhiên, thay vì cắt giảm lao động, Công ty Savimex lại sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho công nhân.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Savimex cho hay: “Thị trường Mỹ - châu Âu đang chịu lạm phát tăng cao, người dân chú trọng vào các nhu cầu thiết yếu, mặt hàng của công ty là nội thất nên chịu ảnh hưởng rất nặng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức rằng, người lao động là huyết mạch của công ty, nên thay vì cắt giảm lao động, chúng tôi đã tìm nhiều biện pháp để duy trì việc làm”.

Theo đó, Savimex đã mở rộng và tăng cường thị trường bán lẻ nội thất trong nước, thực hiện cải tiến liên tục để tăng năng suất, tiết giảm chi phí. Với nguồn lực hiện tại, Savimex vẫn đang cố gắng duy trì khoảng 80 - 85% nhân sự so với đầu năm, sắp xếp linh hoạt nhằm duy trì việc làm cho khoảng hơn 1.100 công nhân.

Tương tự, Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng tìm mọi cách xoay xở để duy trì việc làm cho người lao động.

Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty Dony cho biết: “Công ty có hai mảng sản xuất chính là may đồng phục trong nước và xuất khẩu, cùng với may mặc hàng thời trang. Trong đó, ở mảng đồng phục đã bị giảm 20% lượng đơn hàng và 50% đơn ở mảng thời trang từ tháng 8 đến nay”.

Theo ông Quang Anh, vào quý II/2022, thời điểm đơn hàng còn nhiều, thay vì thuê lao động chính thức thì công ty chỉ thuê lao động thời vụ, vậy nên hiện tại tránh được một phần ảnh hưởng khi đơn hàng giảm đột ngột.

Ngoài ra, Dony cũng mạnh dạn nhận một số đơn hàng không thuộc thế mạnh của công ty như sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn nhằm mở rộng thị trường, khách hàng, gia tăng thu nhập và việc làm cho người lao động, thay vì lệ thuộc vào khách hàng, thị trường cũ. Để có nhiều đơn hàng, việc làm hơn, công ty đã chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, nhận đơn hàng với giá rất cạnh tranh.

“Hiện tại, công ty đang hoạt động không có lợi nhuận để lao động có việc làm, giữ chân lao động có tay nghề tốt, gắn bó với công ty. Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm và đàm phán một số đơn hàng lớn với các đối tác ở Mỹ, dự kiến tình hình sau Tết sẽ khả quan hơn. Nếu cắt giảm nhân sự, đến lúc có đơn hàng sẽ phải mất nhiều thời gian để tuyển mới, đào tạo, cũng như để nhân sự thích nghi với công việc, mà những lao động mất việc làm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi Tết đã đến nơi”, ông Quang Anh nói.

Trong cuộc gặp giữa các doanh nghiệp với cơ quan chức năng mới đây, để tháo gỡ khó khăn, nhiều doanh nghiệp đề xuất: cơ quan chức năng cần xem xét đẩy nhanh tiến độ các thủ tục hoàn thuế, xem xét hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp khi người lao động đang đứng trước ngưỡng cửa mất việc.

Các địa phương nên xem xét giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất… để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, nhanh chóng quay vòng vốn, có thêm ngân sách để giữ chân, chăm lo cho người lao động.
2 năm gần 4.700 tiến sĩ, thạc sĩ thôi việc, làm gì để "giữ chân" công chức?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại kỳ họp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư