Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp địa ốc thưởng Tết bằng ngày nghỉ
Châu Anh - 11/12/2013 09:31
 
Nhiều doanh nghiệp bất động sản thưởng Tết bằng cách tăng ngày nghỉ phép, đồng nghĩa với thu nhập của nhân viên sẽ tiếp tục giảm.

Bi đát

Nói về kế hoạch thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp bất động sản chỉ xua tay cười trừ: “Lương còn nợ, lấy đâu tiền thưởng Tết”.

Anh Nguyễn Văn Đại, trưởng phòng nhân sự một công ty chuyên xây dựng thủy điện tại tỉnh Lai Châu cho biết công ty anh bây giờ chỉ còn cái tên chứ thực chất nó đã “chết” từ lâu.

Bi đát thưởng Tết doanh nghiệp địa ốc
Thưởng Tết bất động sẽ rất khó khăn

“Hiện chúng tôi mới được trả lương đến tháng 8. Không biết đến Tết, công ty có trả thêm được tháng nào nữa không. Nói thật, với tình hình này, chúng tôi chỉ mong được trả đủ lương”, anh Đại phân trần.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội thì thẳng thắn: Thực tế cả năm nay nhiều doanh nghiệp bất động sản “bất động” thực sự, không làm ăn, buôn bán gì, vì vậy trả hết lương còn khó, nói gì đến thưởng.

“Chúng tôi hiện chưa có kế hoạch thưởng Tết. Cuối năm chỉ có lo đi đòi nợ đã vất vả lắm rồi”, ông Cường cho hay.

Ông Đặng Văn Chiến, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Sông Đà cũng cho biết năm 2013, các đơn vị trực thuộc gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, hiện chưa có kế hoạch chi thưởng Tết mà đang tập trung hoàn thành khối lượng công việc tại các công trình và thu hồi công nợ.

Mỗi đơn vị thành viên có kế hoạch thưởng Tết khác nhau. Mức tiền thưởng rất thấp và sẽ rất ít đơn vị có tháng lương thứ 13.

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị cố gắng không để nợ lương người lao động” - ông Chiến nói.

Có lẽ nếu trước đây bất động sản luôn nằm trong nhóm những doanh nghiệp có mức thưởng Tết “khủng” thì nay việc có thưởng Tết đã là một giấc mơ xa vời.

Ngay cả những doanh nghiệp được đánh giá có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2013, mức thưởng Tết cũng chỉ là 1 – 2 tháng lương, tương đương 10 – 20 triệu đồng.

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh miền Bắc cho hay: “Mặc dù năm 2013 là một năm rất khó khăn đối với bất động sản, nhưng các nhân viên của tôi vẫn cố gắng hết mình, vì vậy doanh thu cũng tàm tạm”.

Nói về thưởng Tết, ông Quyết cho biết sẽ cố gắng thưởng tháng lương thứ 13 cho nhân viên. Nếu từ nay đến cuối năm, hiệu quả kinh doanh tốt thì có thể sẽ có thêm phần thưởng động viên.

“Mức thưởng như vậy là chúng tôi cố gắng lắm rồi”, ông Quyết chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản Maxland cũng cho biết, thưởng Tết năm nay của công ty ông vẫn là tháng lương thứ 13.

“Trong giai đoạn này, bất động sản rất khó khăn, vì vậy chúng tôi cố gắng thực hiện đúng cam kết với người lao động là có lương, thưởng Tết”, ông Diễn cho hay.

Còn theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Cen Group, năm 2013 là một năm khá khó khăn, nhưng doanh số của công ty cũng khá tốt, nên mức thưởng Tết sẽ là 1 – 2 tháng lương, tùy theo vị trí và bộ phận.

Số 0 tròn trĩnh

Chị Hằng, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản trên đường Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội cho biết, mới đây đã nhận được gợi ý của công ty về việc đăng ký thêm ngày nghỉ phép cho năm sau như là một cách trả thưởng vào cuối năm. Tuy nhiên, chị cũng cho biết mỗi tuần nhân viên bên chị đều phải nghỉ luân phiên một ngày không lương, nên không có nhu cầu nghỉ thêm nữa, chưa nói đến việc nghỉ như vậy thì thu nhập cũng giảm theo.

Cũng chung tình cảnh giống chị Hằng, anh Nam, một nhân viên tại sàn giao dịch bất động sản có tiếng ở Hà Nội cho biết, nhiều khả năng năm nay thưởng Tết của anh sẽ là con số không tròn trĩnh.

Nhớ lại thời điểm cách đây vài năm khi thị trường bất động sản vẫn được xem là một điểm sáng thì chuyện thưởng Tết đối với anh Nam sẽ khiến nhiều người phải kính nể.

“Thời điểm đó chuyện được thưởng một căn chung cư hạng trung đối với nhân viên kinh doanh vượt doanh số là hết sức bình thường”, anh Nam nói.

Mặc dù từ đầu năm tới giờ, Nguyễn Thanh Hải, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và xây dựng NT, chỉ nhận được vỏn vẹn 6 tháng lương nhưng với anh Hải thì vẫn còn may chán so với nhiều đồng nghiệp.

“Bị nợ lương nhưng vẫn được công ty lo cho chỗ ở, ăn uống hàng ngày, nhiều nơi lương vẫn nợ đều mà không có chế độ đó, thế nên dù 3 tháng mới được lĩnh lương một lần, tính ra từ đầu năm tới giờ tôi mới lĩnh lương có 2 lần, nhưng cũng như mọi người tôi không nghĩ đến chuyện xin chuyển công tác.

Trong giai đoạn khó khăn này biết chia sẻ với công ty là việc nên làm, hơn nữa cũng khó có thể tìm được công việc mới với mức lương hấp dẫn trong giai đoạn người khôn của khó này…”, anh Hải cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư