Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Doanh nghiệp gánh nhiều chi phí rất khó giải thích
Khánh An - 25/04/2025 15:54
 
Những bất cập, tồn tại trong cơ chế quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tiếp tục đẩy chi phí tuân thủ tăng cao.
Chi phí tuân thủ các quy định liên quan công bố hợp quy của doanh nghiệp ngành chăn nuôi rất lớn

Lại lo tuân thủ thế nào

Câu hỏi của ông Trần Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam khiến không khí khá căng của buổi công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trở nên xáo trộn.

“Chúng tôi nhận được câu hỏi từ khách hàng là các nhà sản xuất lớn rằng, việc áp dụng QCVN 134:2024/BTTT và QCVN 135:2024/BTTT như thế nào, đã có phòng thử nghiệm được chỉ định hay được công nhận chưa? Họ đang rất lo lắng vì thời gian thực hiện đã rất cận, là ngày 1/6 tới”, ông Trần Thanh Phương chia sẻ.

Đây là các quy chuẩn mới, vừa được ban hành, áp dụng cho điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay và thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet lưu hành tại Việt Nam. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận phù hợp cho các sản phẩm điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, nhưng ông Phương cho biết cũng chưa tìm được thông tin để trả lời khách hàng.

Nhưng, điều ông lo ngại là, đây không phải lần đầu, tình trạng không chuẩn bị kịp các điều kiện áp dụng quy chuẩn đối với sản phẩm này. Trong giai đoạn 2022-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải tạm dừng một số yêu cầu kỹ thuật mà điều kiện thử nghiệm trong nước chưa đáp ứng được, khiến chi phí tuân thủ tăng đáng kể.

“Chi phí thử nghiệm và hợp quy cho điện thoại 5G sau năm 2022 lên tới 3 tỷ đồng, giờ đang ổn định khoảng 1 tỷ đồng/mẫu. Chúng tôi ghi nhận trong năm 2023, số lượng điện thoại 5G của một số hãng ra thị trường chỉ còn 1/3 so với trước năm 2022. Liệu có phải do chi phí tuân thủ quá cao so với quy mô thị trường?”, ông Phương đặt câu hỏi.

Tình hình trên có thể sẽ quay trở lại nếu câu hỏi về phòng thử nghiệm không được trả lời sớm, do nhu cầu thử nghiệm trong giai đoạn đầu thường lớn và thời gian thử nghiệm QCVN134 khá dài.

“Các nhà sản xuất, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang cần đầu tư thiết bị rất lo lắng. Nếu là tôi, chắc tôi cũng không thể start-up dù là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Rất mong các ban soạn thảo đánh giá kỹ hơn các tác động khi ban hành các quy định”, ông Phương chia sẻ thông tin.

Những bất cập đã quá lâu…

Trước đó, cuộc trao đổi về chất lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khá căng thẳng khi VCCI công bố Báo cáo Đánh giá chất lượng và Khuyến nghị cho việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.

Dựa trên 6 nhóm tiêu chí đánh giá, gồm sự cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch và đúng trình tự, thủ tục, VCCI đã phát hiện hàng loạt tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chưa hợp lý, minh bạch và khả thi, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc không có hoặc không đủ đơn vị đánh giá sự phù hợp hóa ra không phải là trường hợp đơn lẻ ở ngành nào. Ông Phạm Văn Hùng, chuyên gia Ban Pháp chế (VCCI) đã nhắc lại sự tá hỏa của doanh nghiệp nhập khẩu keo dán gỗ vào năm 2019, khi hàng về đến cảng, nhưng không được thông quan vì đúng ngày quy định về quy chuẩn có hiệu lực, nhưng không có đơn vị hợp quy được chỉ định.

Số lượng QCVN còn hiệu lực: 804, do 13 bộ quản lý

Số lượng TCVN: 14.000, phân theo 40 lĩnh vực

Sự khác biệt giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn: Quy chuẩn có tính bắt buộc; trong khi tiêu chuẩn chứa đựng các yêu cầu kỹ thuật vượt trên mức tối thiểu, được khuyến khích thực hiện.

Hệ quả là, các doanh nghiệp phải gánh chịu phần rủi ro, cả về chi phí, cơ hội và cả năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ dừng lại ở các bài toán kinh doanh. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thậm chí còn nhắc đến cảm giác rất khó nói khi đưa ra thực trạng “phải làm sai mới thực hiện được quy định”.

“Theo thông lệ quốc tế, quy chuẩn kỹ thuật là chỉ tiêu an toàn và rất ít; nhưng có nhiều quy chuẩn của chúng ta đã đưa toàn bộ chỉ tiêu chất lượng vào, nên có quy chuẩn gồm 14-15 chỉ tiêu. Để có được chứng nhận hợp quy theo quy định, phải đánh giá quy trình, lấy mẫu, thì một tuần may ra làm được một sản phẩm. Vậy nếu nhà máy có 500 sản phẩm, thì không thể hoàn tất việc này trong mấy ngày như hiện nay được”, ông Dương thẳng thắn.

Nhưng bất cập không chỉ nằm ở nội dung một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, ông Dương đang rất bức xúc khi các kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy của các hiệp hội doanh nghiệp nhiều năm vẫn chưa được chấp thuận. Ông cho biết, Hội đã có ý kiến gửi Quốc hội, sẽ tiếp tục theo đuổi kiến nghị này.

“Từng là Cục trưởng Cục Chăn nuôi, từng rất say sưa với tiêu chuẩn, quy chuẩn, tôi khẳng định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cần để người dân, doanh nghiệp tham chiếu thực hiện, Nhà nước căn cứ để quản lý, nhưng không thể tồn tại quy trình công bố hợp quy mà không nước nào áp dụng”, ông Dương đề xuất.

Theo thông lệ quốc tế trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn áp dụng; cơ quan quản lý thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát theo cơ chế quản lý rủi ro.

Ở Việt Nam, giữa 2 bước trên, doanh nghiệp sẽ phải đề nghị tổ chức được chỉ định lấy mẫu thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu đạt, sẽ cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn. Sau đó, doanh nghiệp thực hiện thủ tục công bố hợp quy với cơ quan nhà nước, để được cơ quan này cấp đăng ký chứng nhận hợp quy.

“Có thể hình dung, quy định về công bố hợp quy như là yêu cầu người dân đăng ký không vượt đèn đỏ, không có giá trị trong quản lý chất lượng, thậm chí khiến các cơ quan lơ là phần trách nhiệm hậu kiểm, mà hệ quả là vụ việc đang diễn ra với 573 nhãn sữa giả gây rúng động. Các mẫu thử nghiệm để làm công bố hợp quy đạt chuẩn, nhưng không khiến toàn bộ các lô hàng sản xuất sau đó cũng đạt chuẩn”, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh.

Vấn đề là, các khoản chi phí để tuân thủ các quy định trên lại vô cùng lớn. Ông Dương đã tính, chi phí thực hiện thủ tục hợp quy một mẫu là 5 triệu đồng, 500 sản phẩm hết 2,5 tỷ đồng…

Cơ hội làm mới

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) đang đặt khá nhiều kỳ vọng vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đang được Chính phủ trình Quốc hội thảo luật, dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5/2025, nhất là khi việc này đang được thực hiện cùng với yêu cầu của Chính phủ về việc cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Theo phân giao nhiệm vụ tại Nghị quyết 66/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, trước ngày 30/4/2025, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tổng hợp, thống kê đầy đủ thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ của các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao gồm thủ tục hành chính quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng. Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được yêu cầu là bảo đảm tổng hợp, thống kê đầy đủ danh sách, chi phí tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh theo các hình thức, gồm giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận và các điều kiện kinh doanh của các thủ tục hành chính để cấp các giấy tờ trên. Các phần việc này sẽ phải hoàn thành trước ngày 30/4/2025.

Tuy nhiên, trong báo cáo đánh gia của VCCI, những bất cập liên quan quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn có cả vấn đề liên quan đến tư duy xây dựng, thiết kế cơ chế về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Theo phân tích của ông Uy, việc phân loại hàng hóa nhóm 2 (hàng hóa rủi ro) và hàng hóa nhóm 1 (không rủi ro) để quản lý như quy định hiện hành là không phù hợp. “Không có hàng hóa, sản phẩm nào không có rủi ro. Thông lệ quốc tế đang phân chia theo nhóm rủi ro thấp, trung bình, cao, để từ đó có cơ chế kiểm soát tương ứng. Việc này sẽ giải bài toán chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan có liên quan”, ông Uy làm rõ đề xuất.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đề nghị đưa cơ chế hậu kiểm vào thành một chương trong văn bản pháp luật về chất lượng hàng hóa.

“Khi thiết lập cơ chế quản lý theo rủi ro, doanh nghiệp sẽ tự nắm được hàng hóa, sản phẩm của mình thuộc nhóm rủi ro nào để tuân thủ; cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ chế giám sát, kiểm tra, hậu kiểm. Mọi việc sẽ công khai, minh bạch và không thể lơ là trách nhiệm, dù đó là doanh nghiệp hay cơ quan quản lý”, ông Dương nói.

Thậm chí, ông Dương mong muốn đưa nội dung của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật vào thành một chương của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cũng sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ làm việc tháng 5/2025 tới.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn là một biện pháp để quản lý chất lượng hàng hóa, nên chỉ nên quy định trong một luật để tránh các xung đột về cả tư duy, lẫn cách thức thực hiện…”, ông Dương kỳ vọng.

Sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Sau gần 20 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi cần sửa đổi thích hợp để thúc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư