Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp "kêu" định mức tái chế quá cao, cần tính toán lại
Thế Hải - 29/06/2023 06:52
 
Định mức tái chế cao dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao bất hợp lý, gây khó khăn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, định mức chi phí tái chế quá cao nêu trong Dự thảo
Hiệp hội ngành hàng đề xuất tính toán lại lộ trình, phương thức triển khai EPR trong Dự thảo về định mức chi phí tái chế.

14 hiệp hội ngành hàng tiếp tục đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán lại lộ trình, phương thức triển khai EPR trong Dự thảo quyết định về định mức chi phí tái chế (Fs).

Việc này nhằm đẩy mạnh việc tái chế sản phẩm, bao bì để bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ngày 28/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) tổ chức hội thảo nhằm tiếp tục tiếp thu ý kiến các bên liên quan về dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế (Fs).

Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành định mức chi phí tái chế (Fs), Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), bà Chu Thị Vân Anh đánh giá, các nghiên cứu tham vấn Fs hiện có kết quả khác nhau và độ tin cậy chưa cao, chưa phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

Chi phí quản lý hành chính 3% cũng không phù hợp.

Cụ thể, Fs cho bao bì nhôm là 6.180 đ/kg, hơn gần 5 lần so với trung bình thế giới là 1.250đ/kg. Fs cho giấy hỗn hợp là 10.815đ/kg, trong khi thế giới chỉ 2.500đ/kg, cao hơn 4,3 lần so với thế giới. Định mức chi phí tái chế cao dẫn đến nguy cơ giá sản xuất và tiêu dùng tăng cao.

Đại diện ngành đồ uống đề xuất, áp dụng Fs=0 cho các bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, vì các bao bì, sản phẩm này về cơ bản đã được thu hồi hết, ít có nguy cơ tới môi trường.

Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng: "Cần phải đứng ở vai trò trung lập hài hoà, chứ không thể chỉ tập trung hỗ trợ cho 1 nhóm nhỏ doanh nghiệp tái chế mà ảnh hưởng đến cả một cộng đồng doanh nghiệp lớn đang có đóng góp rất lớn cho kinh tế, xã hội, cộng đồng".

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm (EPR) là điểm rất tiến bộ trong Luật Bảo vệ môi trường. Tuy vậy, nếu định mức chi phí tái chế không phù hợp thì EPR khó có thể được triển khai.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, bắt đầu từ năm 2024, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì. Thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. 

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) cho hay, rất ủng hộ việc tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ để bảo vệ môi trường. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Amcham cho rằng, Dự thảo quy định Fs còn có nhiều điểm chưa hợp lý. Nhiều Fs đề xuất cao hơn nhiều lần so với mức trung bình của các nước (Fs của giấy cao hơn 1,4 lần, Fs của giấy hỗn hợp cao hơn 4,3 lần, Fs của nhôm cao hơn 4,9 lần...).

"Định mức tái chế rất cao này sẽ dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao bất hợp lý, gây khó khăn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Với Fs đề xuất, chỉ riêng do đóng góp tái chế bao bì đóng gói trực tiếp, giá có thể tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai; 0,6% với bia lon; 0,2% đối với bịch sữa", theo Amcham.

Nếu tính cả chi phí tái chế bao bì đóng gói gián tiếp (thùng, hộp carton), chi phí tái chế thiết bị, phương tiện vận chuyển thì mức tăng giá sẽ còn cao hơn nhiều.

Các hiệp hội đề xuất áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, kiểm tra lại tính hợp lý của các số liệu trong các nghiên cứu để tính toán Fs. Với các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, phương tiện giao thông: áp dụng hệ số 0 để Fs = 0.

Các vật liệu khác, Fs không nên cao hơn mức trung bình của thế giới. Đồng thời, bỏ chi phí quản lý hành chính 3% khỏi đề xuất Fs, vì 3% là số tiền rất lớn, lên tới nhiều trăm tỷ đồng.

Về triển khai thực hiện EPR, các hiệp hội kiến nghị trong hai năm đầu tiên (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng, trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận.

Cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế cho 1 loại bao bì trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức. Đồng thời, thay đổi cách nộp từ tạm ứng trước vào đầu năm sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm, để vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, đề nghị quy định rõ trách nhiệm tái chế đối với nhà sản xuất phụ tùng là nhà sản xuất, nhập khẩu hay người nắm giữ thương hiệu.

Với một số sản phẩm trong nước chưa tái chế được, ví dụ như pin Lithium, bị giới hạn xuất khẩu không quá 20% khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường, các hiệp hội đề nghị  Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc bãi bỏ giới hạn xuất khẩu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư