Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ: Cần cơ chế để cạnh tranh bằng chất lượng
Hồng Phúc - 08/08/2018 20:25
 
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, có thể ảnh hưởng tới Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tại Việt Nam rất cần cơ chế, chính sách thông thoáng để có thể phát triển bền vững và cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.

Cần cơ chế thực sự đồng nhất

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã xảy ra, dù thời điểm cuối năm 2017, không nhiều nhà quản trị nghĩ rằng điều này sẽ thành sự thật.

Với nhiều nông sản thô xuất sang Trung Quốc, thặng dư thương mại với Mỹ và châu Âu…, Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ từ cuộc chiến thương mại này cũng như việc phá giá đồng nhân dân tệ - đồng tiền trong rổ ngoại tệ xác định tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Vietjet Air thành công với chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ
Vietjet Air thành công với chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu cuộc chiến này “leo thang”, khi tổng giá trị mà Mỹ áp thuế 25% với máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao Trung Quốc vượt mức 34 tỷ USD, chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt hại.

“Có thể, làn sóng hàng Trung Quốc cũng như những sản phẩm, thiết bị công nghệ bậc thấp sẽ tràn sang Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước khi đó chắc chắn chịu 2 áp lực là chi phí sản xuất tăng và cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực đưa ra giải pháp thích ứng trong bối cảnh thị trường đang được sắp xếp lại; đồng thời, cũng đặt ra những thách thức về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh cho các cơ quan quản lý Việt Nam.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam nhấn mạnh, để tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cần có chính sách, biện pháp giảm chi phí trong chuỗi cung ứng và phân phối, hình thành hệ thống logistic cạnh tranh,  đặc biệt, “những gì tư nhân có thể làm thì để tư nhân làm”.

CEO Vietjet cho rằng, “Chính phủ kiến tạo, trong sạch, hành động” mới chỉ nằm ở cấp chính phủ và chưa được khai thông cả chiều sâu và chiều rộng đến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chính quyền. Đơn cử, việc “dời một vách kính”, tạo không gian thông thoáng cho hành khách, hay xây phòng cho khách VIP… cũng phải chờ thông qua các cơ chế.

“Trong khi đó, nhà đầu tư tư nhân xây dựng sân bay Vân Đồn chỉ mất 2 năm. Thời gian vừa qua, tôi thấy những công việc nói giao cho tư nhân, nhưng chưa tới tay họ, mà còn đang vướng ở chỗ nào đó”, nữ tỷ phú chia sẻ.

Cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ

Năm 2017, du lịch Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quốc tế và 4 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng gần 20% so với năm 2016; tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt gần 23 tỷ USD. Dù vậy, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam đánh giá, du lịch Việt Nam chưa xác định được chiến lược phát triển ngành, đó là: cán cân sẽ nghiêng về số lượng du khách hay giá trị dịch gia tăng.

“Khi có chiến lược phát triển, mới xác định phân khúc thị trường và chiến lược sản phẩm… chứ không phải dựa trên lợi thế mảnh đất. Tôi luôn trở về Sapa như một nơi an trú để thấy quê hương mình đẹp, nhưng bây giờ, Sapa như đại công trường. Những giá trị thực sự của thiên nhiên ẩn sâu trong các làng bản và không có chiến lược bảo tồn, khai thác”, bà Hà Thu Thanh lấy ví dụ và khẳng định, tăng trưởng du lịch cần chú trọng vào các giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.

Vì vậy, trên hết, việc phát triển bền vững phải được bắt đầu từ hành động của các doanh nghiệp. Với khối ngành dịch vụ, phải cạnh tranh bằng chất lượng, chứ không phải từ nguồn lợi lao động giá rẻ như trong ngành sản xuất. Cùng với đó, cần thay đổi tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là việc thể hiện sự nghiêm túc khi đầu tư vào đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân sự.

“Tôi từng gặp nhiều giám đốc điều hành các doanh nghiệp, khi gặp khủng hoảng, thay vì co lại, tìm cách níu giữ thị trường, thì việc đầu tiên họ làm là soi lại hệ thống quản trị”, bà Thanh nhấn mạnh.

Ngân hàng "ăn đậm" từ mảng dịch vụ
Lâu nay, tín dụng vẫn là hoạt động mang lại nguồn thu chính cho ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các ngân hàng đã dần đẩy mạnh hoạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư