Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp muốn đối thoại để hiến kế
Khánh An - 01/05/2013 07:05
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI sẽ đề nghị các bộ, ngành tổ chức đối thoại trực tiếp với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, nhằm nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, cho tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn đang mòn mỏi chờ đợi được thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu?

Khảo sát động thái doanh nghiệp do VCCI thực hiện định kỳ theo quý cho thấy, doanh nghiệp càng ngày càng khó khăn hơn do tồn kho tăng, việc tiếp cận vốn ngân hàng vẫn khó cho dù lãi suất cho vay giảm, nợ xấu tiếp tục là rào cản…

Cũng cần nhấn mạnh, hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI vẫn cho rằng, nhu cầu thị trường chưa có nhiều cải thiện. Như vậy, sự chậm trễ trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ đã công bố ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, VCCI đang có kế hoạch đề nghị các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP tổ chức các cuộc đối thoại với đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Sẽ là những cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, như VCCI vẫn thực hiện hàng năm nhằm cải thiện môi trường kinh doanh?

Vào thời điểm này, cách làm sẽ khác, mặc dù mục tiêu chính vẫn là phát huy thế mạnh của VCCI trong tham gia khuyến nghị chính sách, thúc đẩy cải cách, nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Mục tiêu của các cuộc đối thoại này sẽ bám sát vào từng giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 02/NQ-CP, với từng bộ, ngành có liên quan trực tiếp. Như với các giải pháp về thị trường bất động sản, đại diện các doanh nghiệp sẽ làm việc với Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước để tìm gấp lời giải tại sao các giải pháp vẫn chưa thực hiện được. Hay doanh nghiệp và ngân hàng sẽ ngồi với nhau để bàn xem, cửa tiếp cận vốn cho doanh nghiệp đang vướng gì, ngân hàng có thể gỡ gì và doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng điều kiện gì...

Quan điểm của chúng tôi là, tìm cách gỡ những rào cản thực sự để thực hiện càng nhanh càng tốt những giải pháp có thể thực hiện được. Và đối thoại là cách nhanh nhất để thông tin được thông suốt.

Ngay trong tháng 5 năm nay, VCCI đề nghị tổ chức cuộc đối thoại giữa đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam với một số ủy ban của Quốc hội về toàn bộ các nội dung liên quan đến doanh nghiệp được bàn tới trong kỳ họp này.

Doanh nghiệp đang rất nỗ lực hiến kế, rất mong các cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng đối thoại.

Tuy nhiên, những giải pháp ngắn hạn không thể giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp khi nguyên nhân chính từ yếu kém trong năng lực cạnh tranh?

Khi bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI đã thể hiện quan điểm là, không cứu những doanh nghiệp yếu kém, song phải đảm bảo để sự hỗ trợ có tác động lan tỏa tới cả cộng đồng doanh nghiệp.

Chính vì vậy, một số giải pháp như giãn, hoãn, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp có thể không có tác dụng với những doanh nghiệp thua lỗ, song với các doanh nghiệp còn đang hoạt động tốt, các khoản miễn giảm này sẽ giúp họ có thêm nguồn để chi cho đầu tư, sản xuất, thậm chí là tạo ra một chu kỳ đầu tư mới, chuyển hướng đầu cơ sang đầu tư.

Có thể, một doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp, song tác động lan tỏa tích cực sẽ tới các doanh nghiệp có liên quan, tới người lao động.

Tất nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, các kế hoạch tái cơ cấu tác động đến những vấn đề căn bản của cả nền kinh tế và doanh nghiệp cũng phải đẩy nhanh, nhưng cần khá nhiều thời gian.

Trong thời gian này, tôi tin rằng, thông qua các cuộc đối thoại công khai và minh bạch, không chỉ các vấn đề cụ thể được giải quyết, mà Chính phủ sẽ tạo được môi trường để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư