Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao quan hệ đầu tư, thương mại với Việt Nam
Thế Hải - 24/12/2020 16:49
 
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là một đối tác thương mại, đầu tư rất quan trọng, với triển vọng tích cực về hợp tác phát triển trong nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có cuộc điện đàm về việc Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Hoa Kỳ.

Trong đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hai nước sẽ hợp tác để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.

Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí giao các Bộ, ngành Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.

Đại diện các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đã có phản ứng tích cực đối với kết quả cuộc điện đàm này và bày tỏ sự lạc quan về triển vọng hợp tác thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian tới.

Ông Adam Stikoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi cho rằng Việt Nam không làm tổn hại lợi ích của Mỹ hay công ăn việc làm của người dân Mỹ bằng cách tạo ra một lợi thế không công bằng trong cách sử dụng tiền tệ của mình. 

Vì vậy, chúng tôi hy vọng Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục cùng nhau thảo luận để đi đến một kết quả tích cực nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại. Bởi điều quan trọng là trong cả năm qua, dù tác động của đại dịch, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Bà Virginia B.Foot - Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Bay Global Strategies cho hay, Hoa Kỳ và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác thương mại từ lâu và đang phát triển. Chúng ta đã từng có tranh chấp thương mại trước đây và tôi nghĩ vẫn sẽ có lại. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã có các cuộc trao đổi một cách minh bạch, công khai.

"Với các doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam là một đối tác thương mại, đối tác đầu tư rất quan trọng. Chúng tôi đang tìm kiếm sự tăng trưởng trong một số lĩnh vực nhất định và chúng tôi rất lạc quan về tương lai", bà Virginia B.Foot nói.

Ông Steve Lamar, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ khẳng định: “Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng đối với ngành công nghiệp may mặc, giày dép, du lịch của Hoa Kỳ và ngày càng trở nên quan trọng hơn khi các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang thực hiện chiến dịch đa dạng hóa và thoát ly Trung Quốc.

"Khi các thương hiệu nỗ lực để tái cấu trúc mô hình tìm nguồn cung ứng để bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ và người lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi chi phí gia tăng do thuế quan và tuân thủ các chỉ thị của chính quyền về việc đa dạng hóa thị trường và rời xa Trung Quốc, rất nhiều trong số họ đã chọn Việt Nam là đối tác đáng tin câỵ", ông Steve Lamar nói.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam rất lấy làm tiếc trước quyết định ngày 2/10/2020 của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) khởi xướng điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đối với vấn đề tiền tệ và gỗ của Việt Nam vào thời điểm mà mối quan hệ hợp tác ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại đang diễn ra hết sức tốt đẹp.

“Ngay khi USTR quyết định khởi xướng điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cập nhật tình hình và kiến nghị phương án tổng thế xử lý vụ việc. Việt Nam cũng đã thông báo với phía Hoa Kỳ việc sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ trong quá trình điều tra và thành lập các nhóm công tác để làm việc với các đối tác liên quan của Hoa Kỳ”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Theo đó, trong trường hợp USTR đơn phương đẩy nhanh tiến trình áp đặt trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, điều này chắc chắn sẽ tạo ra tác động tiêu cực đến hoạt động trao đổi thương mại nói riêng, và tổng thể quan hệ song phương giữa hai nước nói chung. Những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất sẽ chính là cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng của cả hai nước.

Từ phía Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ mất lòng tin, không còn yên tâm khi làm ăn với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, từ đó có thể dẫn tới giảm nhập khẩu các nguyên vật liệu và công nghệ đầu vào từ Hoa Kỳ, làm đảo ngược xu thế tăng trưởng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vốn đang trở nên rất mạnh mẽ trong vài năm gần đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư