Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 07 năm 2025,
Doanh nghiệp nhà nước năng động và chủ động
Bảo Duy - 25/07/2025 07:58
 
Đã rất lâu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) mới có dự án khai thác mới để đăng ký khởi công. Chủ tịch TKV đã chia sẻ đầy hứng khởi khi nói về kế hoạch kinh doanh trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng 10%, thay vì 8% như chỉ tiêu được đặt ra từ đầu năm. Đây là những dự án đã được nhắc tới nhiều năm trước, nhưng vướng nhiều vấn đề, giờ mới được tháo gỡ.
TIN LIÊN QUAN

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng có tin vui khi chính thức chấm dứt lỗ lũy kế từ cuối quý II/2025, sau 5 năm, sớm hơn kế hoạch 6 tháng. Thời điểm này vô cùng ý nghĩa, đánh dấu Vinachem hoàn toàn thoát khỏi thua lỗ, bước vào giai đoạn phát triển mới. Vinachem cũng đang lên kế hoạch khởi công lại một số dự án trọng điểm vào tháng 8 tới.

Như vậy, trong năm nay và cả những năm tới, TKV và Vinachem đã nhìn thấy dư địa của những điểm tăng trưởng mới, khi các dự án của mình có trong danh sách dự án đầu tư vừa hoàn thành, đang và sắp triển khai khá dầy dặn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Trong danh sách này, các dự án trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng vẫn đang chiếm đa số. 

Có thể kể tới Dự án mỏ Đại Hùng pha 3 của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) về đích sớm hơn kế hoạch 20 ngày. Mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam đã đón dòng dầu đầu tiên vào ngày 14/7/2025,  sớm hơn kế hoạch 1 ngày.

Năm nay, EVN đã lên danh sách khởi công 80 dự án lưới điện truyền tải - phân phối và đóng điện 124 dự án. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đưa Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào khai thác, hoàn thành Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới; khởi công mới một số dự án như Mở rộng Cảng hàng không Cà Mau, Mở rộng sân đỗ giai đoạn II - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Mở rộng, cải tạo sân đỗ - Cảng hàng không quốc tế Vinh, Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Đồng Hới.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Bến Lức - Long Thành, Dự án Xây dựng mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dự án Mở rộng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...

Chỉ tính riêng khối các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu, trong 6 tháng đầu năm 2025, giá trị giải ngân đầu tư ước đạt trên 93.000 tỷ đồng. Một số dự án lớn, trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I; chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn; Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4; mở rộng kho LNG Thị Vải; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các dự án điện Long Phú 1, điện hạt nhân Ninh Thuận và LNG Quảng Trạch II...

Tuy nhiên, phải thẳng thắn, tốc độ giải ngân đầu tư của các doanh nghiệp này mới đạt 40% kế hoạch năm. Nguyên nhân có nhiều, nhưng vẫn còn khó khăn về thủ tục, giải phóng mặt bằng, tiến độ kết nối các dự án... Nếu đặt tỷ lệ này vào mục tiêu tăng trưởng trung bình mới đang được giao cho các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính là 10,16%, trong đó 7 doanh nghiệp có mức tăng trưởng trên 10%, số còn lại đạt trên 8%, thì áp lực gia tăng đầu tư sẽ cao hơn.

Mặc dù vậy, không khí đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi hoàn toàn so với sự im lìm của giai đoạn trước.

Hiện tại, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang chủ động chuẩn bị sẵn sàng, như xây dựng dự thảo điều lệ, cơ chế tài chính... để bắt tay thực hiện quyền và trách nhiệm mới trong xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm, sử dụng nguồn lực tài chính và con người của doanh nghiệp ngay khi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu lực vào ngày 1/8 tới.

Các kế hoạch tiên phong trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng được các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực, kế hoạch đầu tư. Việc rà soát các vướng mắc, khó khăn cùng nguyên nhân, giải pháp cũng liên tục được doanh nghiệp chủ động thực hiện.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang năng động trở lại, với nhiều hoài bão khi nền kinh tế chọn mục tiêu tăng trưởng cao, phát triển bền vững, dài hạn. Lúc này, chỉ cần sự hậu thuẫn kịp thời trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể, thì hoạt động đầu tư cùng sản xuất, kinh doanh của khu vực này sẽ trỗi dậy, giữ đúng vai trò đóng góp vào tăng trưởng và dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư