Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp nhà nước nào phải đấu thầu?
Khánh An - 24/05/2023 07:51
 
Theo lịch trình, sáng nay (24/5), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Quốc hội đang sửa đổi Luật Đấu thầu, trong đó dự kiến bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh 	Ảnh: Đức Thanh
Quốc hội đang sửa đổi Luật Đấu thầu, trong đó dự kiến bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh        Ảnh: Đức Thanh

Lo ngại can thiệp sâu vào doanh nghiệp có vốn nhà nước

Mười ngày trước khi Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV khai mạc, Chi nhánh Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (Vilaf Hồng Đức) đã gửi một bức thư trực tiếp tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Trong thư kiến nghị không áp dụng phương án 2, liên quan đến mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

 “Việc mở rộng đối tượng áp dụng bắt buộc của Luật Đấu thầu theo phương án 2 sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”, ông Đặng Dương Anh, luật sư thành viên cao cấp Công ty Vilaf Hồng Đức giải thích rõ lý do của bức thư đặc biệt, vốn không phải là cách lựa chọn của các luật sư khi tham gia góp ý chính sách.

Thực tế, phương án 2 của Dự thảo Luật Đấu thầu mới được bổ sung ngày 5/4/2023, nên các luật sự lo ngại có thể chưa có đánh giá trọn vẹn, đầy đủ về tác động và ảnh hưởng của phương án này. Hơn thế, theo Công ty Vilaf Hồng Đức, kể từ Luật Đấu thầu năm 2005 đến Luật Đấu thầu năm 2013, không có quy định bắt buộc các gói thầu của các doanh nghiệp có trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ những quy định của Luật Đấu thầu. Như vậy, đây là lần đầu tiên đề xuất mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu tới các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Mở rộng đối tượng áp dụng bắt buộc của Luật Đấu thầu (sửa đổi) gây lo ngại sẽ làm tăng chi phí thời gian, thủ tục hành chính của nhiều doanh nghiệp.

Đây chính là lý do để Vilaf Hồng Đức lên tiếng, vì việc này sẽ làm tăng gánh nặng về chi phí thời gian, thủ tục hành chính và làm giảm cơ hội, tính cạnh tranh và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Cũng phải nói thêm, các doanh nghiệp trong nhóm đang được đề nghị bổ sung có doanh nghiệp liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc khối tư nhân. Nếu phương án này được thông qua, theo luật sư Đặng Dương Anh, sẽ tác động tiêu cực đến quyết định của các nhà đầu tư đang cân nhắc đầu tư và thành lập liên doanh với các doanh nghiệp nhà nước.

Đương nhiên, tâm lý này cũng sẽ tác động đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang là một bên trong liên doanh với các doanh nghiệp nhà nước.

“Chúng tôi cũng xin lưu ý, trong một số lĩnh vực nhất định, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức liên doanh với doanh nghiệp nhà nước, ví dụ trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông, kinh doanh xăng dầu, sản xuất thuốc lá... Do vậy, nếu phương án này được áp dụng, các doanh nghiệp liên doanh đó phải tuân thủ theo các quy định của Luật Đấu thầu. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam và làm giảm quyết tâm của các nhà đầu tư nước ngoài”, Công ty Vilaf Hồng Đức viết trong thư gửi Chủ tịch Quốc hội.

Quản nguồn vốn hay quản chủ thể?

Khi chuẩn bị cho Kỳ họp thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, trong đó đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Trong phương án Chính phủ trình Quốc hội, phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đây là khái niệm về doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp nhà nước hiện hành. Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị bãi bỏ đối tượng áp dụng với dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Hiện tại, Chính phủ vẫn đề nghị giữ phương án này.

Tuy nhiên, trong các lần thảo luận trước, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, phương án trên sẽ thu hẹp đáng kể phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu đối với gói thầu sử dụng vốn của Nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các gói thầu của các công ty con thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy tổng hợp số liệu khảo sát của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách với 13 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, số dự án thực hiện đấu thầu ở công ty mẹ chỉ chiếm 17%, 83% còn lại được thực hiện ở các công ty con. Ví dụ, từ báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2022, EVN tổ chức đấu thầu 10.220 gói thầu, trong đó công ty mẹ triển khai 241 gói thầu. Như vậy, nếu thực hiện theo phương án 1, chỉ có 241 dự án phải đấu thầu.

Khi giải trình về việc giữ phương án 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh, cùng với phương án 1, Dự thảo Luật cũng có quy định áp dụng đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) chia sẻ sự đồng tình, vì đảm bảo đúng nguyên tắc là quản lý theo nguồn vốn, chứ không theo chủ thể sử dụng, Nghĩa là, các dự án sử dụng vốn nhà nước, bất kể dự án đó là của doanh nghiệp nhà nước hay không, đều phải áp dụng Luật Đấu thầu.

Đây cũng là nguyên tắc của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. “Cũng phải nhấn mạnh, luật này đã phân định rạch ròi giữa nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác để áp dụng cơ chế quản lý phù hợp. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh theo phương án 2 là không hợp lý vì can thiệp quá rộng đến vốn của doanh nghiệp nhà nước”, ông Hiếu nói.

Cụ thể, với phương án 2, sẽ có thêm 4 nhóm doanh nghiệp được bổ sung vào phạm vi điều chỉnh. So với phương án 1, thì phương án 2 có 6 nhóm đối tượng chịu điều chỉnh. 

Có thể có phương án dung hòa?

Trong phần tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đang có đề nghị tương tự như loại ý kiến thứ 2, nhưng chỉ bổ sung đối tượng là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước 100% vốn điều lệ. Phương án này mở rộng đối tượng hơn so với phương án 1 và thu hẹp đối tượng hơn so với phương án 2.

Về phương án mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chưa có cơ sở lý luận và thực tiễn để phân định việc loại trừ ra khỏi đối tượng giữa doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước có từ 50% đến 99% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước 100% vốn điều lệ.

Ông Phan Đức Hiếu đồng tình với đề xuất này. Trong bối cảnh hiện tại, có thể có một phương pháp dung hòa, nhưng theo nguyên tắc là sẽ quản lý chặt chẽ hơn công ty có vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

“Trong công ty con có sở hữu trên 50% vốn của doanh nghiệp nhà nước, thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân khác là khá tương đương nhau. Bản thân các nhà đầu tư tư nhân cũng sẽ có những cơ chế bảo vệ lợi ích phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, thậm chí trong một số trường hợp, cơ chế bảo vệ lợi ích của họ tốt không kém, thậm chí là tốt hơn quy định phải đấu thầu”, ông Hiếu nói.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước cũng chủ động thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa đảm bảo sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao hướng dẫn doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp lại
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư