Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều dự án điện sinh khối tại Việt Nam
Thế Hải - 21/03/2023 14:38
 
Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản) đang triển khai một loạt dự án đầu tư điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó 2 dự án mới đề xuất đều có công suất 50 MW.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Công ty Cổ phần EREX (Nhật Bản) về đầu tư phát triển điện sinh khối.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản) về đầu tư phát triển điện sinh khối.

Ngày 21/3, tại trụ sở Bộ Công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản).

EREX là đơn vị có 30 năm hoạt động trong lĩnh vực điện sinh khối, và hiện đang triển khai một số dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

Doanh nghiệp này hiện đang đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy phát điện bằng sinh khối tại Yên Bái, công suất 50 MW và 1 nhà máy công suất tương đương tại Tuyên Quang.

Công ty cũng đang xây dựng nhà máy phát điện bằng nhiên liệu vỏ trấu tại Hậu Giang, công suất 20 MW, dự kiến đưa vào hoạt động tháng 01/2025 (đã khởi công xây dựng vào ngày 15/12/2022), sử dụng nhiên liệu trấu thu gom ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, EREX đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc nghiên cứu chuyển đổi nhiên liệu nhà máy nhiệt điện than bằng cách đồng đốt sinh khối với than tại các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn.

Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EREX cho biết: "Dự án điện sinh khối Hậu Giang sẽ là một trong những dự án kiểu mẫu về phát triển điện sinh khối phục vụ cho phát triển của địa phương. Ngoài ra, EREX cũng đã và đang nghiên cứu và tìm hiểu nguồn cung nguyên liệu từ các nước láng giềng của Việt Nam như Campuchia và Malaysia".

Tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường.

Tới năm 2030, dự kiến tỷ trọng điện năng sản xuất các nguồn điện này đạt khoảng 1,2-1,6% và định hướng tới năm 2050 đạt khoảng 2,9-3,7% tổng điện năng sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng, xử lý môi trường.

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII dự kiến đến năm 2030 phát triển từ 1.230-2.270 MW nguồn điện sinh khối, điện từ rác; đến năm 2050 phát triển khoảng 6.000 MW nguồn điện sinh khối, điện từ rác. 

Việt Nam ưu tiên đầu tư điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và chất thải rắn, đồng thời luôn có ưu đãi cho các doanh nghiệp vào đầu tư.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Quy hoạch điện VIII chỉ xác định tổng công suất các loại hình nguồn điện theo từng miền, không có tên dự án cụ thể.

Sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công thương sẽ triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện phân bổ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt căn cứ trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và khả năng đáp ứng lưới điện của từng khu vực và từng địa phương.

Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được Việt Nam thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Đầu tư, Luật đấu thầu. Quy hoạch điện VIII của Việt Nam định hướng chuyển dần các nhà máy điện than sang sử dụng nhiên liệu sinh khối (hoặc amoniac xanh) bằng cách đốt kèm.

Đại diện Bộ Công thương cho rằng, việc EREX phối hợp với TKV nghiên cứu về đồng đốt than và sinh khối tại các nhà máy điện là rất phù hợp với định hướng của Việt Nam.

Doanh nghiệp Nhật Bản nỗ lực giảm phát thải CO2 hưởng ứng “Sáng kiến Cộng đồng không phát thải Châu Á - AZEC”
Vừa qua, nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã dẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư