Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Nhật tăng nhu cầu tuyển dụng trong mảng sản xuất, bán lẻ
Hồng Phúc - 06/05/2019 15:39
 
Trong quý I/2019, lĩnh vực sản xuất chiếm hơn 50% trong tổng nhu cầu tuyển dụng của khối doanh nghiệp Nhật Bản.
TIN LIÊN QUAN

Navigos Group (đơn vị sở hữu VietnamWorks và Navigos Search) lần đầu tiên công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (gọi tắt là Japan Desk) trong quý I/2019.

Có 4 thông tin chủ đề đáng chú ý nhất về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Nhật trong báo cáo này.

Thứ nhất, tuyển dụng trong lĩnh vực sản xuất chiếm hơn 50% tổng nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật  Bản tại Việt Nam, bên cạnh một số lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, bán lẻ, giao thông vận tải,…

Một trong những lý do tác động đến tỷ lệ trên là việc xuất hiện thêm một số khu công nghiệp mới dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật như Khu công nghiệp phụ trợ Đồng Văn 3 (thuộc tỉnh Hà Nam), Khu công nghiệp Thăng Long 3 (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

Điều này dẫn đến sự tăng trưởng mạnh về tuyển dụng các vị trí chủ chốt trong nhà máy như Factory Manager (Giám đốc nhà máy) hoặc Giám đốc nhân sự để từ đó chuẩn bị toàn bộ các bước để xây dựng nhà máy và tuyển dụng khối lượng lớn nhân sự nhằm chuẩn bị cho quá trình đưa nhà máy vào hoạt động. 

Thứ hai, các tập đoàn bán lẻ tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng khi lên tiếp các tháng trong Quý (và dự báo cả trong thời gian tới), các doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ của Nhật Bản thuộc các lĩnh vực về thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm…đều mở rộng hoạt động mạnh mẽ hoặc chính thức đầu tư vào Việt Nam.

Trong con mắt của các ứng viên người Việt thì các doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực này đều rất mạnh về đào tạo, quy trình quản lý chuyên nghiệp, phong cách phục vụ khách hàng tận tâm…. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ này có sức hút rất lớn đối với các ứng viên.

Mặc dù vậy, yêu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp này rất cao, trong đó bao gồm trình độ tiếng Anh xuất sắc, giao tiếp giỏi và am hiểu sâu sắc về tình hình kinh doanh và văn hóa công ty, nên rất nhiều các bạn trẻ người Việt không đáp ứng được. Bên cạnh đó, việc thay đổi công việc quá nhiều và quá nhanh cũng là một rào cản đối với ứng viên muốn ứng tuyển vào các tập đoàn này.

Thứ ba, ưu tiên ứng viên giỏi cả tiếng Nhật, tiếng Anh và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Nếu cách đây khoảng 5 năm, việc một sinh viên mới tốt nghiệp có trình độ N2 tiếng Nhật là đã có thể tìm được việc làm tương đối dễ dàng trong lĩnh vực sản xuất.

Vào thời điểm hiện tại, điều này không còn phù hợp nữa khi sự cạnh tranh giữa các ứng viên tìm việc trong các doanh nghiệp Nhật ngày càng cao. Các doanh nghiệp Nhật hiện nay ưu tiên tuyển các sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Nhật, đồng thời yêu cầu các ứng viên phải có định hướng rất rõ ràng về nghề nghiệp mình muốn theo đuổi và phát triển trong tương lai.

Đối với các doanh nghiệp thuộc tập đoàn toàn cầu, việc biết thêm tiếng Anh cũng là một lợi thế. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Nhật vừa và nhỏ, các ứng viên người Việt băt buộc phải giỏi tiếng Nhật.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp Nhật mở rộng hoạt động sang Việt Nam từ thị trường Trung Quốc dẫn đến các yêu cầu ứng viên người Việt cần biết thêm tiếng Hoa để thuận lợi trong quá trình làm việc với các nhà cung cấp Trung Quốc. 

Thứ tư, mức lương chưa cạnh tranh dẫn đến thử thách trong thu hút nhân tài.

Cụ thể, theo quan sát của các chuyên gia tuyển dụng mảng Japan Desk thuộc Navigos Search, các doanh nghiệp IT Nhật Bản hiện chưa thu hút được ứng viên IT người Việt do chế độ lương chưa cạnh tranh so với các công ty thuộc châu Âu hoặc Mỹ.

Thêm vào đó, việc yêu cầu tuân thủ thời gian làm việc tại các công ty Nhật cũng là một rào cản với các ứng viên IT nếu so sánh với môi trường làm việc linh hoạt, thậm chí làm việc tại nhà ở các công ty IT thuộc châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, với ứng viên yêu thích sự quy củ, ổn định và lâu dài thì đây là nhóm doanh nghiệp phù hợp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư