Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài khi nào?
Việt Dũng - 10/10/2024 22:04
 
Ngày 10/10, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM tham gia buổi đối thoại với chính quyền đều có chung những thắc mắc liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người lao động nước ngoài.

Cụ thể, doanh nghiệp thắc mắc rằng, trong trường hợp người lao động nước ngoài có ký hợp đồng với doanh nghiệp nhưng không hưởng lương hàng tháng, chỉ có việc mới sang Việt Nam làm việc. Lúc này Công ty cũng chỉ chi trả chi phí phát sinh như ăn, ở, đi lại... Vậy doanh nghiệp phải đóng phí bảo hiểm xã hội như thế nào?

Thông tin thêm về nội dung này, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trưởng phòng chế độ bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội TP.HCM) cho hay, theo Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

ádas
Nhiều câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề hợp đồng lao động với người lao động đặc biệt... được giải đáp tại buổi đối thoại.


Theo đó, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào những điều kiện, hình thức làm việc tại Việt Nam này để cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài. Các công ty cũng xác định điều kiện trên để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chứ không căn cứ vào thời gian làm việc, khi nào người lao động không còn làm việc nữa thì Công ty báo giảm nhân sự, không phải đóng nữa.

Đối với trường hợp người lao động mang tính chất “part-time”, di chuyển giữa các nước liên tục, doanh nghiệp và người lao động phải thỏa thuận hợp đồng cho phù hợp. Còn hợp đồng như thế nào thì phải tùy theo tính chất công việc của hai bên, hai bên thỏa thuận làm sao để đưa ra giao kết phù hợp nhất.

Doanh nghiệp cần phải xác định đối tượng nào là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó, trước khi làm việc thì phải thỏa thuận hợp đồng lao động theo đúng quy định, tính chất, tình hình sản xuất của từng công ty.

Bà Thảo cho biết thêm, chỉ khi nào người lao động nước ngoài có giấy phép lao động và ký hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hợp đồng có thời gian từ 12 tháng trở lên thì mới phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Còn đối với người lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam thì hiện không thuộc đối tượng bắt buộc.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2025, khi Luật Bảo hiểm xã hội vừa ban hành có hiệu lực thì những người lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội.

“Hiện tại, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng nhận được nhiều thắc mắc của doanh nghiệp về những trường hợp được miễn tham gia bảo hiểm xã hội. Về nội dung này thì chúng tôi cũng đang xin ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa có thông tin thì chúng tôi cũng chưa thu phí đối với những trường hợp này. Chỉ thu phí đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định”, bà Thảo nói.

Ngoài nội dung trên, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.

Tăng thêm 15% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư