Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Doanh nghiệp tạo giá trị: Không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn dẫn dắt tương lai bền vững
Như Loan - 16/09/2024 21:12
 
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững và chuyển đổi xanh, TS. Võ Trí Thành trong một bài phỏng vấn với Viet Research nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp không chỉ cần đạt lợi nhuận mà còn phải tạo ra giá trị cho cổ đông, người lao động và xã hội.

Việc thực hiện trách nhiệm xã hội và tuân thủ các tiêu chuẩn ESG đã chứng minh khả năng mang lại hiệu quả kinh doanh cao trong dài hạn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp là thay đổi nhận thức và đầu tư vào công nghệ, quản trị. TS. Thành cũng đánh giá cao vai trò của các bảng xếp hạng như của Viet Research trong việc tôn vinh những doanh nghiệp dẫn đầu trong việc tạo giá trị tích cực và lan tỏa.

Thưa ông, trong xu thế hướng đến phát triển bền vững, phát triển xanh của nền kinh tế, yếu tố nào là quan trọng nhất để đánh giá một doanh nghiệp tạo ra giá trị?

Trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp luôn là tạo ra lợi nhuận trong một môi trường cạnh tranh. Tuy nhiên, ngày nay, việc phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung, và giá trị của một doanh nghiệp không còn chỉ dựa trên việc đạt được lợi nhuận cao nhất hay chi phí thấp nhất. Doanh nghiệp giờ đây cần gắn liền với trách nhiệm xã hội, với việc tạo giá trị cho cổ động, cho người lao động và cho xã hội, cộng đồng. Các yếu tố này ngày càng kết nối chặt chẽ, góp phần xây dựng giá trị toàn diện của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), Nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhiệm kì 2016-2021

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, đặc biệt trong trung hạn và dài hạn, các doanh nghiệp thực hiện các yếu tố trên không chỉ có hiệu quả về hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn xây dựng được thương hiệu và hình ảnh tích cực lan toả trong cộng đồng và toàn bộ nền kinh tế.

Trước đây, chúng ta từng nghĩ rằng phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội sẽ làm giảm lợi nhuận. Nhưng thực tế, những doanh nghiệp tiên phong trong việc chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo lại thường đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn, thu hút nguồn lực tốt hơn, và phát triển bền vững hơn trong dài hạn.

Có thể nhìn vào nghiên cứu của Viet Research về Danh sách Top 500 Doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam năm 2024 mới đây, nơi các doanh nghiệp được đánh giá qua các tiêu chí như doanh số, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách, lương thưởng cho người lao động và các cam kết thực hiện ESG. Điều này cho thấy có mối quan hệ rõ ràng giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất hiện nay không chỉ là cạnh tranh và lợi nhuận mà còn là việc phân phối lợi ích công bằng cho người lao động, cổ đông, và lan tỏa giá trị cho xã hội, cộng đồng và hướng đến phát triển bền vững - hay như chúng ta vẫn thường gọi là “phát triển xanh”.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đều đang hướng đến phát triển xanh và tạo ra giá trị cho cổ đông, người lao động, cộng đồng và xã hội, theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt?

Có lẽ thách thức lớn nhất là sự chuyển đổi trong suy nghĩ. Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng nếu muốn "xanh" hơn, muốn thực hiện trách nhiệm với xã hội và cộng đồng tốt hơn thì hiệu quả kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sự đánh đổi này đang giảm dần. Thực tế, giữa việc cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận và mang lại giá trị cho cộng đồng, người lao động, cổ đông, cho phát triển bền vững, các yếu tố này đang hòa quyện với nhau thay vì đối lập. Do đó, thách thức đầu tiên là nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là từ người lãnh đạo và toàn thể người lao động.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này không hề đơn giản và đòi hỏi chi phí lớn. Khi tôi nói về lợi ích, nó nằm ở trung và dài hạn. Ví dụ, các doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ, nâng cao kỹ năng, và cải tiến quản trị - tất cả đều đòi hỏi một lượng vốn đáng kể. Vì thế, thách thức thứ hai chính là về nguồn lực. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số không phải là điều dễ dàng, và thực tế, nhiều doanh nghiệp đã không thành công trong những nỗ lực này.

Bên cạnh việc thay đổi nhận thức, doanh nghiệp cần phải khéo léo gắn kết chiến lược kinh doanh và tầm nhìn dài hạn với những bước đi cụ thể, lựa chọn đúng cách thức để dần chuyển đổi. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị kinh tế mà còn giá trị lan tỏa cho xã hội. Đối với những doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế, nguyên tắc quan trọng là bắt đầu từ những bước nhỏ, những dự án có thể mang lại lợi nhuận và tạo thanh khoản. Từ đó, họ sẽ có nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phát triển theo hướng bền vững hơn.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi để vừa đạt hiệu quả kinh doanh, vừa tạo ra giá trị xã hội không nhất thiết đòi hỏi phải có một lượng vốn khổng lồ ngay từ đầu. Điều quan trọng là sự học hỏi, thay đổi nhận thức, và gắn kết chiến lược kinh doanh với tầm nhìn dài hạn thông qua các bước đi khôn khéo.

Theo ông, việc lựa chọn và vinh danh các doanh nghiệp tạo ra giá trị hàng đầu thông qua các bảng xếp hạng như của Viet Research có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phát triển và đổi mới của doanh nghiệp?

Tôi nghĩ rằng, ở một khía cạnh nhất định, nghiên cứu và công bố của Viet Research đã phần nào phản ánh được những chiều cạnh rất tích cực. Chúng ta có thể dựa vào đó để nhìn nhận giá trị doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam đang ở một giai đoạn bước ngoặt, khi chúng ta cần tăng trưởng nhanh, nhưng đồng thời phải phát triển bền vững, gắn với chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất. Phát triển phải bao trùm, mang lại lợi ích cho toàn xã hội, và điều này không chỉ áp dụng ở tầm vĩ mô mà còn đối với từng doanh nghiệp.

Tiêu chí của Viet Research giúp tìm kiếm và vinh danh những doanh nghiệp dẫn đầu trong việc tạo giá trị tích cực. Điều này phản ánh xu hướng không thể tránh khỏi của thời đại - xu hướng về công nghệ, chuyển đổi số, và phát triển bền vững. Nếu doanh nghiệp không theo kịp những thay đổi này, họ sẽ bị tụt lại. Chúng ta đã thấy rõ trong các tiêu chí của Viet Research, bao gồm ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và đổi mới sáng tạo, đều là những yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Điểm quan trọng tiếp theo mà tôi muốn nhấn mạnh là giá trị lan tỏa. Bản thân việc thực hiện ESG đã có sức lan tỏa tích cực, không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp mà còn mở rộng ra hệ sinh thái kinh doanh xung quanh. Doanh nghiệp không chỉ kết nối với người tiêu dùng mà còn với các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng và giá trị, từ đó tạo ra sự gắn kết và dẫn dắt thị trường.

Nhiều “ông lớn” sẵn sàng rót vốn vào dự án phát triển xanh tại TP.HCM
Sau khi TP.HCM công bố danh mục 28 dự án đầu tư phát triển tăng trưởng xanh, hàng loạt dự án đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư