Chủ Nhật, Ngày 27 tháng 04 năm 2025,
Doanh nghiệp thận trọng với thuế quan trong mùa đại hội
Duy Bắc - 27/04/2025 09:48
 
Mức thuế đối ứng của Mỹ là rủi ro khó dự báo. Các doanh nghiệp niêm yết đang thận trọng, tiếp tục quan sát để đưa ra chiến lược phù hợp với diễn biến mới.

Mặc dù chưa biết chính xác mức thuế đối ứng, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ứng, hàng loạt nhóm cổ phiếu suy giảm, đặc biệt là các nhóm được dự báo chịu tác động tiêu cực như xuất khẩu thủy sản, dệt may, bất động sản công nghiệp, cảng biển…

Thực tế, sau nhịp giảm ngày 2 - 9/4, thị trường bước vào giai đoạn phục hồi từ ngày 9/4 đến ngày 22/4, khi mà chỉ số VN-Index bật tăng 9,4%, từ 1.094,3 điểm, lên 1.197,13 điểm. Tuy nhiên, nhiều nhóm cổ phiếu lại không phục hồi, có xu hướng tiếp tục giảm sâu hơn vùng đáy ngày 9/4 như các cổ phiếu trong nhóm bất động sản công nghiệp, thủy sản, dệt may, cao su…

Chẳng hạn, cổ phiếu của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) giảm 7,3%, về 43.750 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) giảm 13,5%, về 40.850 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) giảm 13%, về 56.100 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã SZC) giảm 10,7%, về 28.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) giảm 10,7%, về 39.250 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã GVR) giảm 6,9%, về 22.300 đồng/cổ phiếu…

Như vậy, dù thị trường phục hồi, nhưng có dấu hiệu phân hóa, nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm, gây thêm áp lực cho nhà đầu tư sử dụng vay nợ (ký quỹ công ty chứng khoán) để kiên trì nắm giữ cổ phiếu với hy vọng cổ phiếu giảm sâu sẽ phục hồi, các phản ứng thái quá trên thị trường chỉ là ngắn hạn, nhưng thực tế một số nhóm cổ phiếu tiếp tục bị bán.

Trước diễn biến bất ngờ có thể thay đổi triển vọng kinh tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết có cái nhìn thận trọng. Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans, mã PVT) nhận định, làn sóng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang đặt toàn cầu hóa vào thế bị đe dọa. Khi toàn cầu hóa suy yếu, các hoạt động thương mại quốc tế lập tức bị ảnh hưởng, logistics là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên, nhanh và trực tiếp nhất.

“Do Mỹ quyết định tạm rời lại 90 ngày trước khi áp thuế đối ứng, nên ở thời điểm hiện tại, mức độ tác động tới hoạt động vận tải chưa lớn. Công ty đã chủ động rà soát toàn bộ danh mục khách hàng, các hợp đồng hiện hữu, kể cả hợp đồng dài hạn, vì trong bối cảnh thị trường biến động, có thể phát sinh các điều khoản chấm dứt sớm. Việc rà soát, đánh giá rủi ro đang được cập nhật liên tục. Hiện nay, mặt bằng giá cước có giảm nhẹ nhưng chưa tới mức báo động. Theo đánh giá, thuế quan là yếu tố mang tính ngắn hạn. Sau giai đoạn “rung lắc”, thị trường sẽ dần ổn định trở lại”, ông Việt Anh nhấn mạnh.

Tương tự, Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (mã GDT) dù cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng được dự báo là nhóm chịu tác động tiêu cực từ thuế quan, song lãnh đạo Công ty vẫn kiên định với kế hoạch kinh doanh đề ra là lãi tăng 8% trong năm 2025, lên 65 tỷ đồng.

Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành khẳng định: “Gỗ Đức Thành vẫn tự tin với kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2025, do kế hoạch được đặt ra từ đầu năm không lệ thuộc vào khách hàng nào, không lệ thuộc vào thị trường nào và thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng không lớn”.

Đối với ngành dệt may, ông Song Jae Ho, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) cho biết, thị trường Mỹ chiếm 30% doanh thu xuất khẩu của Thành Công. So với các doanh nghiệp khác, Công ty có tỷ trọng thấp hơn nên ít chịu tác động hơn. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, Công ty hướng đến phát triển thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

“Việt Nam không phải là đối tượng mà Mỹ tập trung áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại, vì vậy không nên quá lo ngại”, ông Song Jae Ho hy vọng về cơ hội vẫn còn đối với ngành dệt may.

Đối với ngành cá tra, Vĩnh Hoàn là đơn vị dẫn đầu ngành, có thị phần xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất, chiếm khoảng 43,8% tổng doanh thu xuất khẩu. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn chia sẻ, Vĩnh Hoàn vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng địa phương, thể hiện tinh thần kiên cường và quyết tâm đã luôn dẫn dắt chúng tôi vượt qua các thử thách trong quá khứ.

Bên cạnh việc thận trọng, Vĩnh Hoàn cũng đồng thời hạ dự báo kế hoạch kinh doanh. Trong đó, năm 2025, Công ty lên kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Theo đó, kịch bản cơ bản dự kiến lãi 1.000 tỷ đồng, giảm 18,4% so với cùng kỳ và giảm 500 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu lãi 1.500 tỷ đồng. Ở kịch bản cao, dự kiến lãi 1.300 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ và giảm 200 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.

Như vậy, đối với nhóm ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan, các doanh nghiệp đang cho thấy sự thận trọng, tiếp tục quan sát và một số đơn vị đang tìm cách dịch chuyển thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donal Trump hé lộ khả năng "giảm đáng kể" mức thuế quan với Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump cho biết mức thuế quan cao Mỹ áp dụng với Trung Quốc “sẽ giảm đáng kể, nhưng không về mức bằng 0”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư