Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp tố khổ, thúc bộ, ngành hành động
Khánh An - 20/05/2016 09:51
 
Lâu lắm mới thấy Viettronics Tân Bình xuất hiện trên các diễn đàn có tính chất phản biện chính sách quy mô lớn như Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2016/NĐ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia do Văn phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và USAID tổ chức hôm giữa tuần. Hơn chục năm trước, thương hiệu này thường gắn với các vấn đề liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trong lần tái xuất này, Viettronics Tân Bình đem tới một loạt khó khăn trong thực hiện quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng. Ông Văn Viết Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Viettronics Tân Bình than phiền, doanh nghiệp dù vẫn cố gắng tuân thủ, nhưng chi phí quá lớn và không đáng có.

“Chúng tôi sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử dân dụng là LED TV, tủ lạnh, màn hình máy tính… là những sản phẩm cần thực hiện quy định về dán nhãn năng lượng và chúng tôi luôn luôn chấp hành quy trình từ khâu lập hồ sơ đo kiểm (với các thông số kỹ thuật máy, nhãn thông tin sản phẩm…), vận chuyển thiết bị sang Trung tâm thử nghiệm hiệu suất năng lượng (Trung tâm 3 ở TP.HCM ) để đo hiệu suất năng lượng, lập hồ sơ đăng ký nhãn năng lượng gửi đến Bộ Công thương và nhận Giấy quyết định dán nhãn năng lượng. Tất cả các công đoạn trên có thời gian là 50 ngày”, ông Tuấn liệt kê từng bước thủ tục phải tuân thủ.

.
Thủ tục đăng ký nhãn năng lượng cho sản phẩm của Viettronics Tân Bình mất thời gian là 50 ngày

Vấn đề nằm ở chỗ, chi phí thực thi các quy định này dù không lớn, thường từ vài triệu đến hơn một chục triệu một sản phẩm tùy loại, nhưng lại không dễ tuân thủ. Khó hiểu nhất là hồ sơ đăng ký nhãn năng lượng của doanh nghiệp dù hoạt động ở đâu cũng phải gửi ra Hà Nội, trụ sở Bộ Công thương, nhưng quyết định dán nhãn năng lượng chỉ có hiệu lực 1 năm.

“Nghĩa là doanh nghiệp sẽ phải lặp lại quy trình trên liên tục do nhu cầu gia hạn. Chúng tôi kiến nghị Bộ Công thương lập cơ quan đại diện của Bộ hay Văn phòng năng lượng tại TP.HCM, tăng thời gian hiệu lực của quyết định lên 2 hay 3 năm hoặc kéo dài đến cuối vòng đời sản phẩm nếu không thay đổi cấu kiện ảnh hưởng hiệu suất năng lượng”, ông Tuấn kiến nghị.

Tại Hội nghị này, Bộ Công thương là địa chỉ nhận nhiều kiến nghị nhất, từ doanh nghiệp ngành dệt may, kinh doanh bông sợi đến doanh nghiệp sản xuất ô tô... Thậm chí, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM còn phát hiện, trong số các bộ, ngành được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cám ơn vì có những cố gắng trong cải thiện môi trường kinh doanh không có tên Bộ Công thương, cho dù là bộ quản lý ngành. Ngược lại, Bộ này có tên trong các kiến nghị liên tục của VITAS về nỗi khổ trong thực hiện Thông tư 37/2015/TT-BCT (quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may) kéo dài suốt mấy năm nay và có khả năng kéo tiếp nếu không được sửa đổi. Trong Hội nghị này, đơn kêu cứu của Tổng công ty May Nhà Bè tới Thủ tướng Chính phủ về việc phải chi 100 USD kiểm định formaldehyt cho lô hàng 5-10 m vải mẫu giá chỉ 5-10 USD.

“Tạm chưa nói đến chi phí tuân thủ bằng tiền, nhưng cách thức thực thi của các bộ, ngành với các quy định này là không đúng với cách quản lý thân thiện với doanh nghiệp, không hợp với tinh thần của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là vì doanh nghiệp mà phục vụ, đáp ứng yêu cầu cùa doanh nghiệp và người dân”, ông Cung bình luận và cho biết sẽ phải tập hợp các ý kiến doanh nghiệp theo các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp xử lý. 

Điều đáng nói là kể từ sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp năm 2016 được tổ chức vào ngày 29/4 đến nay, số ý kiến doanh nghiệp gửi về Văn phòng Chính phủ để kiến nghị tới Thủ tướng tăng nhanh. Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trước đó, các ý kiến như vậy không nhiều.

“Đây là động thái tích cực. Chúng tôi sẽ làm việc với các bộ, ngành về những kiến nghị chưa được giải quyết để tìm cách xử lý dứt điểm. Vấn đề nào chưa xử lý được, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Hà cam kết.

Đặc biệt, ông Hà đề nghị doanh nghiệp nên xem xét kỹ các kiến nghị, có thể kiến nghị thẳng để Thủ tướng Chính phủ đình chỉ hoặc bãi bỏ văn bản, quy định sai luật. “Cách này sẽ giải quyết nhanh hơn rất nhiều”, ông Lê Mạnh Hà khuyến nghị.

Cải thiện môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp phải lên tiếng thẳng thắn
Những động thái đầu tiên của các bộ, ngành, địa phương trong thực thi Nghị quyết 19-2016/NQ-CP đã bắt đầu. Đây là lúc rất cần sự vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư