Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc bàn chuyện hợp tác mua bán nông sản
Thế Hoàng - 17/06/2020 10:35
 
Ngày mai (18/6), 61 doanh nghiệp Việt Nam và Trùng Khánh sẽ có buổi giao thương trực tuyến nhằm kết nối mua - bán nông sản tại Hội nghị giao thương với thị trường Trung Quốc.
Thương mại 2 chiều Việt Nam-Trùng Khánh (Trung Quốc) 4 tháng 2020 đạt hơn 2 tỷ USD, 106,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại 2 chiều Việt Nam-Trùng Khánh (Trung Quốc) 4 tháng 2020 đạt hơn 2 tỷ USD, 106,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 18/6//2020, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ủy ban Thương mại Trùng Khánh, Ủy ban Xúc tiến thương mại Trùng Khánh (CCPIT Trùng Khánh) khai mạc Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản và thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc, Trùng Khánh 2020.

Sự kiện trên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh giao thương với Trùng Khánh, một trong số 4 thành phố lớn trực thuộc trung ương của Trung Quốc.

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có 21 doanh nghiệp Việt Nam và 40 doanh nghiệp Trùng Khánh, hoạt động trong các lĩnh vực nông sản (rau, củ, quả tươi, sấy khô, các loại hạt, gia vị...), thủy sản (khô, đông lạnh và đóng hộp), thực phẩm chế biến, đồ uống (cà phê, sữa, nước ép trái cây) và bánh kẹo.

Tham gia “Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản và thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Trùng Khánh) 2020”, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện gặp gỡ trực tuyến với những nhà nhập khẩu Trùng Khánh, qua đó có thể trao đổi, tìm hiểu sâu hơn về thị trường, đồng thời quảng bá sản phẩm của mình đến với doanh nghiệp Trùng Khánh, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với thị trường tiềm năng này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Trùng Khánh nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc, được coi là hành lang quan trọng kết nối Đông Nam Á với Trung Á, Nam Á.

Với dân số trên 31 triệu người năm 2019, tổng thu nhập GDP tính đến hết quý I/2020 đạt 498,7 tỷ NDT (tương đương với gần 72,3 tỷ USD), Trùng Khánh là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông sản.

Hiện nay, Trùng Khánh có nhu cầu lớn đối với hàng nông sản thực phẩm, do đây là “Thủ phủ của Lẩu”. Thành phố này chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng thủy sản với tổng sản lượng đạt khoảng trên 600.000 tấn, chủ yếu là các loại cá nước ngọt, thủy sản đông lạnh (do không có cảng biển, thời gian vận chuyển dài).

Ngoài ra, đây cũng là thành phố nhập khẩu hoa quả nhiệt đới, chủ yếu là thanh long, dưa hấu, nhãn, bưởi… với số lượng rất lớn, do mùa hè nắng nóng khiến cho người tiêu dùng có nhu cầu cao.

Những sản phẩm khác như cà phê, hoa quả sấy khô của Việt Nam hiện đã có mặt tại các siêu thị hàng nhập khẩu có uy tín của Trùng Khánh như: cà phê G7, hoa quả sấy khô...

Theo thống kê của cơ quan hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Trùng Khánh đạt 14,05 tỷ NDT (tương đương hơn 2 tỷ USD), tăng 106,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trùng Khánh đạt 1,8 tỷ USD, tăng 135,5% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trùng Khánh đạt 240 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trùng Khánh chủ yếu được thông qua tuyến đường sắt liên vận quốc tế.

Hội nghị giao thương trực tuyến, "bắc cầu" đưa nông sản Việt sang Nhật
Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Nhật Bản là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt tìm đường xuất khẩu sang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư