Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp xuất khẩu nhấp nhổm theo tỷ giá
Thanh Vũ - 11/04/2015 07:30
 
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đang đau đầu tìm cách giảm bớt  khó khăn khi tỷ giá tiếp tục biến động.
TIN LIÊN QUAN

Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sơn Việt đang đau đầu tính toán khi  thị trường tỷ giá biến động.

Doanh nghiệp gia công trong ngành may đang phải gánh sức ép khi giá USD tiếp tục tăng
Doanh nghiệp gia công trong ngành may đang phải gánh sức ép khi giá USD tiếp tục tăng

Ngày 8/4, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại lại tăng mạnh, khoảng 30 đồng mỗi USD sau 2 ngày đầu tuần ổn định. Trên thị trường thế giới, USD cũng đang lên giá so với nhiều ngoại tệ khác. Đang có lo ngại về đợt sóng thứ hai của đồng USD, sau đợt tăng cao vào đầu năm 2015.

“Nếu tỷ giá tiếp tục tăng, buộc lòng chúng tôi phải ngồi tính lại các đơn hàng”, ông Hà Xuân Anh nói.

Với các đơn hàng gia công, phía đối tác chỉ định nhập khẩu 100% nguyên liệu vải, hoặc là mua vải trong nước thì đối tác cung cấp vải cũng nhập khẩu sợi ở nước ngoài, tỷ giá sẽ tác động trực tiếp tới công ty nhận gia công. Nghĩa là, tỷ giá tăng bao nhiêu, Công ty Sơn Việt phải chịu thiệt bấy nhiêu.

“1 kg vải nhập khẩu có giá là 10 USD, giá thành sợi chiếm từ 60 – 70%. Giả sử tỷ giá tăng 1%, sẽ đẩy giá thành của công ty lên 3%-4%. Khi tỷ giá tăng ở mức khiến giá thành đội lên, chúng tôi buộc phải đề nghị khách hàng chia sẻ thiệt hại với doanh nghiệp thông qua việc xem xét lại hợp đồng. Bởi lẽ, các đơn hàng đang thực hiện thường đã ký từ trước với điều khoản cố định về tỷ giá”, ông Hà Xuân Anh nói thêm.

May Sơn Việt không phải là trường hợp cá biệt. Thậm chí, phần lớn doanh nghiệp trong ngành may đang chịu chung cảnh ngộ ngồi trên lửa khi theo dõi biến động tỷ giá hàng ngày, nhất là các doanh nghiệp may gia công 100%, không chủ động được nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, bài toán ngồi lại với các đối tác không phải lúc nào cũng thành công.

Với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng cho cả thị trường nội địa, các doanh nghiệp cho biết, họ có thể điều chỉnh giá bán trong nước để bù đắp chênh lệch tỷ giá, song đây là điều “cực chẳng đã”, bởi mỗi lần điều chỉnh giá bán là một lần doanh nghiệp phải đối mặt với hệ lụy về doanh số bán hàng giảm, thị phần bị thu hẹp…

Tương tự như ngành may mặc, các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu thủy sản cũng đang gặp khó khăn về tỷ giá. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có đến hơn 90% doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chọn USD là đồng tiền thanh toán, nên khi USD biến động, đã lập tức ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên các thị trường, nhất là thị trường EU. Từ giữa tháng 3/2015, nhiều nhà nhập khẩu tại EU đã đòi hạ giá, có khi lên tới 10-15%, khiến việc xuất khẩu vào thị trường này bị chậm lại.

“Giá cá tra xuất sang châu Âu hiện chỉ còn khoảng 2,6 USD/kg, trong khi cá nguyên liệu đã là 23.500 đồng/kg và phải mất 3 kg nguyên liệu mới chế biến được 1 kg thành phẩm. Với mức giá này, doanh nghiệp đãõ lỗ nặng”, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tính toán.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho rằng, tỷ giá thời gian qua có biến động nhưng không lớn, và do đó không có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ.

Theo ông Hạnh, nhìn tổng quan thị trường, xuất khẩu đồ gỗ đang có sự chuyển dịch thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam từ Mỹ – Âu – Nhật sang Mỹ – Á – Âu. Trong đó, Trung Quốc là nước có kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam ngày một cao. Ngoài ra, cuối năm nay, ASEAN sẽ trở thành cộng đồng kinh tế chung cũng mở ra nhiều cơ hội tìm thị trường mới cho doanh nghiệp chế biến gỗ nội thất, giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào đồng USD của các doanh nghiệp trong ngành.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư