Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Alain Cany, Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson Vietnam: Tôi yêu con người Việt Nam
Bích Ngọc - 17/02/2018 09:24
 
“Bạn hỏi điều gì đã giữ tôi ở đây lâu vậy, tôi có thể trả lời rằng, lý do thứ nhất là con người Việt Nam, lý do thứ hai vẫn là con người Việt Nam và lý do thứ ba cũng vẫn là con người Việt Nam”, ông Alain Cany, Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson Vietnam đã dành cho độc giả Báo Đầu tư một cuộc trò chuyện thú vị về thời gian gần 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam.

Thưa ông, lý do nào khiến ông lựa chọn Việt Nam và ở lại trong thời gian dài như vậy?

Trong khoảng mười năm đầu đời, tôi đã lớn lên ở Madagascar, một hòn đảo gần châu Phi. Lần đầu tiên đến thăm Việt Nam năm 1985, tôi nhận ra rằng, phong cảnh nơi đây khá quen thuộc, giống như Madagascar, với những ruộng lúa trải dài hút tầm mắt, những đàn trâu bò thong thả gặm cỏ, thời tiết dễ chịu và phong cảnh làng mạc yên bình. Việt Nam khiến tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình và tôi tự nhủ: “Ồ, mình rất muốn sống ở đây”.

.
Doanh nhân Alain Cany.

Năm 1986, tôi và vợ đến Hà Nội du lịch. Khi ấy, chúng tôi có thuê một người đạp xe xích lô chở đi lòng vòng trong Thành phố. Sau một ngày đi chơi, vợ tôi muốn mua một quyển sách nấu ăn Việt Nam bằng tiếng Pháp hoặc bằng tiếng Anh, nhưng không thể tìm được. Cô ấy đã rất thất vọng và chúng tôi nghĩ rằng sẽ trở về Pháp mà không có cuốn sách mong muốn này.

Thật bất ngờ, hôm sau, khi chúng tôi rời khách sạn, người đạp xe xích lô đã ở trước cửa và đưa cho vợ tôi một quyển sách nấu ăn. Cuốn sách bằng tiếng Pháp. Người đàn ông này đã hơn 60 tuổi, nói được một chút tiếng Pháp. Đứng gần chiếc xe ô tô của chúng tôi trước khách sạn, cầm cuốn sách trong tay, ông ấy nói: “Thưa bà, tôi muốn tặng cuốn sách này cho bà. Nó là của mẹ tôi và tôi xin chúc bà nấu được những món ăn ngon của Việt Nam”.

Chúng tôi hiểu rằng, cuốn sách này rất quý đối với họ. Chúng tôi đã rất xúc động. Cuốn sách được chúng tôi giữ gìn cẩn thận cho đến tận hôm nay. Đó là một dự cảm khởi đầu rất tốt đối với Việt Nam.

Sau đó, tôi trở lại Hồng Kông và làm việc tại HSBC. Khi nhiệm kỳ của tôi tại ngân hàng này kết thúc vào năm 2002, Chủ tịch HSBC khi đó hỏi tôi muốn làm việc ở đâu, ngay lập tức tôi trả lời: “Việt Nam”. Lúc đầu, Ngân hàng không đồng ý, vì Giám đốc điều hành của HSCB Việt Nam vừa nhận nhiệm vụ một năm trước và phải 3-4 năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ.

Ngân hàng đưa ra một số giải pháp khác, nhưng tôi đã nhắc lại mong muốn của mình và đề xuất một kế hoạch phát triển chiến lược mới cho HSBC Việt Nam (vào thời điểm đó mới chỉ là một chi nhánh ngân hàng với 56 nhân viên). Ba tháng sau, tôi trình bày kế hoạch mới cho HSBC và bản kế hoạch của tôi được chấp nhận.

Tháng 2/2003, tôi sang Việt Nam nhận nhiệm vụ tại HSBC. Khoảng 4 năm rưỡi sau đó, khi tôi kết thúc nhiệm kỳ tại đây, HSBC Việt Nam đã có hơn 700 nhân viên, là ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và hiện có hơn 1.300 nhân viên, với vị thế của một ngân hàng 100% vốn nước ngoài có thể cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng trong nước.

Vậy cơ duyên nào dẫn ông đến với Jardine Matheson?

Tôi đã sống ở Hồng Kông gần 15 năm và có mối quan hệ mật thiết với các công ty lớn ở Hồng Kông. Bản thân tôi cũng rất hiểu biết về Hồng Kông - nơi đặt trụ sở chính của Jardine Matheson. Jardine Matheson đã đề nghị tôi nhận trọng trách phát triển Jardine Matheson Việt Nam - lúc này mới ở quy mô tương đối nhỏ và tôi đã vui vẻ chấp nhận.

.
.

Jardine Matheson bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992, nhưng việc kinh doanh còn khiêm tốn với 2 tòa nhà cho thuê văn phòng cao cấp tại Hà Nội, Công ty Thang máy Schindler và cổ phần trong Ngân hàng ACB. Tôi bắt đầu với Jardine Matheson từ tháng 8/2007 cho đến tận bây giờ.

Jardine Matheson có quan hệ chặt chẽ với các đối tác và chúng tôi cố gắng địa phương hóa hoạt động của mình ở tất cả các quốc gia. Tại Việt Nam, chúng tôi may mắn được cộng tác với các doanh nghiệp hàng đầu như Trường Hải Auto (Thaco), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE và gần đây nhất là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam. Trong các quan hệ đối tác này, chúng tôi giữ cổ phần nhỏ, nhưng hỗ trợ các đối tác quản lý hoạt động kinh doanh và đã đạt được nhiều thành công trong hơn 10 năm qua.

Bên cạnh đó, chúng tôi đưa các thương hiệu mới vào thị trường Việt Nam, như nhãn hàng thức ăn nhanh Pizza Hut, cà phê Starbucks, thang máy Schindler và các cửa hàng bán sản phẩm làm đẹp và sức khỏe Guardian.

Trong lĩnh vực bất động sản, công ty con Hongkong Land của chúng tôi đã phát triển các tòa nhà chất lượng cao tại Hà Nội và TP.HCM. Hongkong Land đã hợp tác với Sơn Kim Land hoàn thiện Dự án nhà ở cao cấp The Nassim tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị khởi công một dự án nhà ở cao cấp khác hợp tác cùng với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thảo luận một số dự án mới. Chúng tôi hy vọng có thể xây dựng các khách sạn cao cấp mang thương hiệu Mandarin Oriental tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Điều gì đã giữ ông ở lại sống và làm việc tại Việt Nam suốt thời gian qua?

Trước tiên, tôi rất thích đất nước này, đặc biệt là người dân Việt Nam. Bạn có thể không biết, nhưng tôi tự hào được là một công dân Việt Nam. Năm 2010, tôi được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị. Phần thưởng cao quý này cho phép tôi được nhập quốc tịch Việt Nam. Tôi đã xin nhập và được chấp nhận có quốc tịch Việt Nam. Tôi thích du lịch với tấm hộ chiếu Việt Nam này.

Lát cắt về Alain Cany

Bắt đầu sự nghiệp của mình tại Credit Commercial de France và từng giữ nhiều vị trí điều hành tại Pháp trước khi chuyển đến Hồng Kông vào năm 1985.

Năm 1994, ông là tổng giám đốc của CCF tại Hồng Kông.

Từ năm 2003 đến 2007, là CEO của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam.

Từ năm 2005 đến 2012, là Chủ tịch của Eurocham Việt Nam.

Từ năm 2012 đến 2014, là đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

Được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước.

Là một trong số ít người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam.

Nhà tôi ở Pháp, các con tôi đang sống ở Mỹ và Canada, nhưng vợ chồng tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ nghỉ hưu ở đây thêm nhiều năm nữa. Bạn hỏi điều gì đã giữ tôi ở đây lâu vậy, tôi có thể trả lời rằng, lý do thứ nhất là con người Việt Nam, lý do thứ hai vẫn là con người Việt Nam và lý do thứ ba cũng vẫn là con người Việt Nam.

Tôi rất quý mến người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Họ truyền cho tôi năng lượng, làm việc chăm chỉ và rất lạc quan. Tôi thích các món ăn Việt Nam, thời tiết ở đây và vẻ thanh bình của làng quê Việt Nam. Tôi cảm thấy Việt Nam chính là nhà của mình vậy. Từ khi tôi có quốc tịch Việt Nam, tôi đã mua một mảnh đất ở ngoại ô TP.HCM, nằm cạnh sông Sài Gòn. Vợ tôi đã thiết kế, chúng tôi đã xây một căn nhà và sinh sống ở đó. Cuộc sống thật là đáng để trải nghiệm.

Việt Nam đã thay đổi thế nào trong những năm qua, thưa ông?

Tôi nhận thấy Việt Nam đã thay đổi rất ấn tượng trong những năm qua. Trước hết, Việt Nam từ một nền kinh tế tập trung đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, với sự phát triển ấn tượng của khu vực tư nhân và tỷ lệ đói nghèo đã được giảm đáng kể.

Từng bước, với sự hội nhập của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế như ASEAN, WTO, hệ thống pháp luật được hoàn thiện, các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước được ký kết, lộ trình phát triển của Việt Nam tiến triển rất tốt và tôi nghĩ tất cả mọi người đều đang hưởng lợi vì những điều này.

Các doanh nhân Việt Nam rất năng động và hiện trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế, với sự kiểm soát ít hơn của Chính phủ. Tất nhiên, có những người thành công, cũng có những người thất bại, nhưng nhìn chung, hầu hết mọi người đều được hưởng lợi từ sự chuyển đổi kinh tế này.

Tôi tin tưởng rất nhiều vào tương lai của đất nước, vào dân số có chất lượng cao và lao động chăm chỉ, hệ thống chính trị ổn định. Việt Nam đang từng bước tiến đến mở cửa nền kinh tế một cách thực sự. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết, đầu tư nước ngoài ngày càng có chất lượng. Và với sự xuất hiện của các công ty hàng đầu quốc gia như Vinamilk và Thaco, Việt Nam sẽ trở thành một nước thành công trong khu vực.

Ông thích và không thích điều gì nhất ở Việt Nam?

Tôi thích con người Việt Nam. Tôi có rất nhiều bạn bè ở đây, nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Hơn nữa, tôi còn có một số người bạn thân mà tôi coi như là anh em vậy. Chúng tôi coi nhau như người trong cùng một gia đình. Người Việt Nam rất thân thiện, chăm chỉ, lạc quan và có thái độ tích cực đối với tương lai của mình.

Còn không thích, tôi nghĩ là người Việt Nam, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, chưa ý thức được rằng cần phải bảo vệ môi trường. Tôi không thích cách họ xả rác ra môi trường, nhưng tôi hiểu rằng, cần phải có thời gian để giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này. Tôi cũng không thích tham nhũng, quan liêu, ô nhiễm không khí và tắc đường tại Hà Nội và TP.HCM.

CEO Phan Hữu Lộc, Giám đốc Công ty Đào tạo nhân lực Việt: Hạnh phúc từ việc truyền cảm hứng cho doanh nhân
Kinh doanh trong lĩnh vực đang trở nên “nở rộ” là đào tạo kỹ năng cho lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, CEO Phan Hữu Lộc đã tạo nên sự khác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư