Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đôi điều về các chỉ tiêu xã hội trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia
Minh Nhung - 05/03/2023 19:28
 
Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 11 chỉ tiêu xã hội, có thể chia thành các nhóm dân số, lao động, phát triển con người, đô thị...

Các mục tiêu liên quan đến dân số, lao động

Quy hoạch Tổng thể quốc gia đề ra mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế 2,1 con. Mục tiêu này có tính khả thi cao, bởi từ năm 2005, Việt Nam đã đạt mức sinh trên dưới 2,1 con. “Duy trì vững chắc” nghĩa là không để cao hơn, đòi hỏi những địa bàn ở mức cao cần có giải pháp giảm xuống, nhưng cũng không để ở mức thấp dưới 2,1 con như một số năm.

Có một số chỉ tiêu liên quan đến mục tiêu này như tỷ suất sinh đã ở mức thấp 14,9‰, trong đó một số địa bàn đã ở mức quá thấp (dưới 13‰); tỷ lệ tăng tự nhiên năm 2021 của cả nước đã giảm còn 9,3‰, trong đó có một số địa bàn ở dưới 5‰; tuổi kết hôn của nam tăng từ 26,2 năm 2010 lên 28,3 năm 2021, của nữ từ 22,7 lên 24,1…

Bên cạnh đó, mục tiêu quy mô dân số 105 triệu người là rất cần thiết, bởi số dân là một trong những yếu tố để thực hiện các mục tiêu khi tính bình quân đầu người. Dân số trung bình năm 2022 đã xấp xỉ 99,5 triệu người. Nếu tốc độ tăng duy trì ở 0,95% như năm 2022, thì năm 2030 sẽ vượt 107,3 triệu người. Như vậy, mục tiêu của Quy hoạch Tổng thể quốc gia quá cao, nếu không có giải pháp quyết liệt, sẽ không đạt được.

Trong khi đó, có một số yếu tố cần tính đến. Tỷ lệ sinh, tỷ lệ tăng tự nhiên tuy chưa đến ngưỡng, nhưng không thể giảm liên tục như thời gian qua. Số lao động đi xuất khẩu lao động khó duy trì được như hiện tại, khi mức GDP bình quân đầu người đã tăng khá. Việt Nam trở thành “đất lành chim đậu” sẽ hấp dẫn người nước ngoài đến làm việc để tăng tỷ lệ tăng dân số cao hơn tỷ lệ tăng tự nhiên như hơn chục năm qua, trong khi tỷ lệ chết trẻ em giảm, tuổi thọ tăng…

Các mục tiêu phát triển con người

Chỉ số Phát triển con người (HDI) theo mục tiêu của Quy hoạch Tổng thể quốc gia duy trì ở mức trên 0,7. Mục tiêu này có tính khả thi, bởi Việt Nam đã đạt vào các năm 2018 (0,703), 2019 (0,706), 2021 (0,726).

Các yếu tố thành phần của HDI đã đạt kết quả khá. Thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người liên tục tăng từ 6.010 USD năm 2015 lên 8.298 USD năm 2019, 8.608 USD năm 2021, 10.028 năm 2022. Số năm đi học bình quân năm 2021 đạt 9,2 năm, số năm đi học kỳ vọng đến 2021 đạt 12,36 năm.

Tuổi thọ bình quân từ năm 2011 đã đạt 73 tuổi và từ năm 2018 đã vượt qua 73,6 tuổi. Tuổi thọ của nữ còn đạt cao hơn. Tuổi thọ của Việt Nam thuộc loại cao, nhờ mức sống được cải thiện; chăm sóc y tế có tiến bộ, với số cơ sở y tế, số giường bệnh, số bác sĩ/vạn dân tăng; công tác thể dục, thể thao có phong trào phát triển.

Nhờ vậy, HDI của Việt Nam cao hơn một số nước có GNI bình quân đầu người cao hơn.

Một số chỉ tiêu liên quan đến xây dựng đô thị

Quy hoạch Tổng thể quốc gia đề ra một số mục tiêu liên quan đến xây dựng đô thị. Theo đó, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2. Chỉ tiêu này đã liên tục tăng qua các năm và nếu giữ được nhịp độ này, thì mục tiêu trên có tính khả thi. Tuy nhiên, mục tiêu tăng tỷ lệ dân số đô thị lên trên 50% đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt mới thực hiện được.

Diện tích cây xanh bình quân đầu người dân đô thị đạt 8-10,2 là mục tiêu rất cần thiết, hiện chưa có chỉ tiêu thực tế, theo ước tính là rất thấp, trong khi chung cư cao tầng mọc lên san sát, các công viên xuống cấp và xây dựng thêm rất ít. Bộ Xây dựng và Tổng cục Thống kê cần khẩn trương thu thập thông tin và đưa vào quy hoạch cụ thể về chỉ tiêu này.

Tỷ lệ đất giao thông/đất xây dựng đô thị đạt 16-26% là mục tiêu cần thiết để giảm ùn tắc khi số dân đô thị tăng lên, lượng ô tô cá nhân tăng lên, việc xây dựng tàu điện ngầm, đường trên cao rất chậm hoặc chưa có. Việc khắc phục tỷ lệ thấp hiện nay và việc thực hiện trong tương lai cần quyết liệt.

Một số chỉ tiêu xã hội của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu có tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư