Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư
Hà Minh - 16/10/2017 14:28
 
Để tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, Đà Nẵng đang đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào các thị trường trọng điểm. Nhân Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 diễn ra trong hai ngày 14, 15/10/2017, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trao đổi về vấn đề này.
TIN LIÊN QUAN

Với lợi thế về hạ tầng, nhân lực và chính sách thông thoáng, thủ tục đơn giản, nhanh gọn, cam kết đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp, những năm qua, Đà Nẵng luôn là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Ông có thể cho biết kết quả thu hút đầu tư vào Đà Nẵng thời gian qua?

Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Thành phố đã xây dựng các khu, cụm công nghiệp với các ưu đãi đáng kể về giá thuê mặt bằng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để giao đất kịp thời cho nhà đầu tư triển khai các dự án. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng như sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, du lịch dịch vụ, thương mại…, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư đến với Thành phố.

.
.

Với những nỗ lực đó, trong 9 tháng đầu năm 2017, Thành phố có 73 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 61,6 triệu USD (tăng 4 lần so với cùng kỳ 2016); 5 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 894.220 USD. Lũy kế đến nay, Thành phố có 525 dự án với tổng vốn đầu tư 2,998 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, số vốn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế là 53,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Thành phố đang xúc tiến 12 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng, công nghệ thông tin, công nghiệp, logistics…

Hiệu quả thu hút đầu tư đã rõ, nhưng có một thực tế mà các nhà đầu tư lo ngại là họ khá vất vả để tìm mặt bằng đầu tư. Thành phố đã có hướng giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Thành phố hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 1.142 ha. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu công nghệ cao với diện tích 1.128,4 ha, tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Hiện nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 7 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 160 triệu USD. Khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 351 ha cũng đang được khẩn trương hoàn thành để đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trước tình trạng các khu công nghiệp đang có nguy cơ quá tải, mới đây, Thành phố đã phê duyệt sơ đồ ranh giới điều chỉnh và thực hiện công bố quy hoạch các khu công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm - giai đoạn 2. Thành phố đang triển khai các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới theo quy định. Ngoài ra, Thành phố cũng triển khai các thủ tục thành lập các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc; xây dựng phương án giá thuê đất ưu đãi trong các cụm công nghiệp và một số tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng.

Xin ông cho biết định hướng thu hút đầu tư của Đà Nẵng thời gian tới?

Thành phố ưu tiên thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới; các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện - điện tử; các ngành dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là thương mại, du lịch, logistics, y tế và giáo dục.

 Đà Nẵng tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư đến với Thành phố.
Đà Nẵng tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư đến với Thành phố.

Giải pháp là tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với từng đối tượng thu hút đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, các tập đoàn lớn trong nước; tăng cường tổ chức các hội nghị/hội thảo xúc tiến đầu tư theo chuyên đề và đối tác cụ thể, tập trung ở các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế như JETRO (Nhật Bản), KCCI (Hàn Quốc), BOI (Thái Lan), IE (Singapore), EUROCHAM, AMCHAM..., các công ty tư vấn đầu tư quốc tế để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng.

Hoàn chỉnh quy hoạch quỹ đất ngoài khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm, giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian đưa ra quyết định đầu tư.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và hoạt động sản xuất - kinh doanh; đăng tải công khai, minh bạch các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến đất đai, thủ tục hành chính…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư