Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đối ngoại Quốc hội là một trụ cột trong nền ngoại giao
P.V - 17/08/2018 14:20
 
Sáng qua (16/8), Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 họp phiên toàn thể “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”, khẳng định đối ngoại Quốc hội là một trụ cột trong nền ngoại giao Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 bố trí một phiên riêng để cùng nhau trao đổi về hoạt động đối ngoại Quốc hội với chủ đề “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” là sự khẳng định vai trò quan trọng của đối ngoại Quốc hội như một trụ cột trong nền ngoại giao Việt Nam và những đóng góp tích cực, hiệu quả của hoạt động đối ngoại Quốc hội trong sự nghiệp chung của đất nước thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải tăng cường phối hợp và phát huy hoạt động đối ngoại qua kênh Quốc hội trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Trọng Hải
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Trọng Hải

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bên cạnh tính chính thống trong triển khai đối ngoại với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, đối ngoại Quốc hội còn có đặc thù riêng xuất phát từ tính đại biểu, đại diện cho cử tri và do cử tri bầu ra của các đại biểu Quốc hội. Tính chất này đã tạo cho các đại biểu Quốc hội một vị thế đặc biệt, có phần linh hoạt hơn trong việc thúc đẩy quan hệ giữa nước ta và các nước khác. “Do đó, trong một số hoàn cảnh, tình huống, đối ngoại Quốc hội đã đảm nhiệm hiệu quả vai trò tiên phong, thăm dò, mở đường để phát triển quan hệ, cũng như xử lý những vấn đề có vướng mắc mà các kênh khác gặp khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Trong phiên làm việc, các cán bộ ngoại giao, các đại sứ Việt Nam tại nước ngoài, các đại biểu cùng khẳng định rằng, những thành tựu đối ngoại của Quốc hội trong những năm qua về song phương và đa phương đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác đối ngoại của Việt Nam.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho rằng, hiện nay, Quốc hội Việt Nam đã có quan hệ song phương sâu rộng với nghị viện của gần 180 quốc gia và là thành viên tích cực của nhiều tổ chức nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện ASEAN (IPA), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (IPF), là thành viên sáng lập Diễn đàn Nghị viện các nước châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Tổ chức Liên nghị viện các nước châu Á vì hòa bình. “Các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với công tác quản lý biên giới, ngoại vụ địa phương, bổ nhiệm đại sứ, bảo hộ công dân đã góp phần quan trọng, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại của Việt Nam”, ông Nam nói.

Hội nghị cho rằng, việc đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Quốc hội đã thực sự góp phần hiệu quả đưa quan hệ với các đối tác chiến lược toàn diện, các nước láng giềng quan trọng và bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Các đại biểu tại phiên họp toàn thể nhất trí rằng, những thành tựu đối ngoại Quốc hội cả về song phương và đa phương đã góp phần quan trọng trong triển khai đường lối ngoại giao của Đảng, phục vụ thắng lợi mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế quốc tế và uy tín của đất nước Việt Nam nói chung và Quốc hội nói riêng. Với Bộ Ngoại giao, công tác phục vụ đối ngoại Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn do nhận thức đúng về vai trò của đối ngoại Quốc hội, từ đó có sự phối hợp tốt giữa Bộ Ngoại giao với Ủy ban Đối ngoại và các cơ quan liên quan của Quốc hội.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII" diễn ra trong 5 ngày (từ 13 đến 17/8) tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội). Trước đó, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 đã được tổ chức vào ngày 12/8.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 gồm 2 phiên toàn thể. Phiên I với chủ đề “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”, diễn ra ngày 15/8. Phiên II với chủ đề “Đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”, diễn ra ngày 16/8.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra vào giữa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng và là hội nghị cuối trước Đại hội XIII. Hội nghị có nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh triển khai toàn diện đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XII của Đảng, đồng thời đề xuất định hướng đối ngoại cho những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Hội nghị được tổ chức thường kỳ 2 năm/lần, là dịp để các cán bộ làm công tác đối ngoại trao đổi tình hình triển khai mục tiêu, rút kinh nghiệm và định hướng chiến lược phát triển cũng như nhiệm vụ trong tương lai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư