Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Đòi nợ kiểu khủng bố: Cục Cạnh tranh hướng dẫn người dân ứng phó
Thùy Liên - 10/05/2018 19:18
 
Trước tình trạng một số công ty tài chính tiêu dùng áp dụng biện pháp quấy rối, đe dọa người thân của con nợ để gây áp lực thu nợ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã có văn bản hướng dẫn người tiêu dùng biện pháp ứng phó.
Nhiều công ty tài chính tiêu dùng đang có cách đòi nợ rất phản cảm
Nhiều công ty tài chính tiêu dùng đang có cách đòi nợ rất phản cảm

Khủng bố 10 cuộc điện thoại/ngày

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, thời gian gần đây, Cục ghi nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích đe dọa, nhắc nợ mặc dù người tiêu dùng không vay nợ từ tổ chức, đơn vị liên quan. Các hình thức quấy rối này hiện gây ra sự bức xúc và ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc hàng ngày của người tiêu dùng.

Cụ thể, người tiêu dùng (chủ yếu là thuê bao của mạng Vinaphone) liên tục nhận các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn với nội dung đề nghị trả khoản nợ. Người tiêu dùng đã thông báo về việc bị gọi nhầm và đề nghị đơn vị liên hệ kiểm tra lại thông tin để tránh tình trạng tiếp tục gọi điện nhầm. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị gọi điện nhắc nợ, một số trường hợp bị gọi điện quấy rối liên tục trong 6 tháng gần đây, tần suất cuộc gọi nhiều nhất là 10 cuộc/ngày.

Theo tìm hiểu của Infomoney.vn, hiện nay, nhiều công ty tài chính tiêu dùng khi ký hợp đồng vay vốn đều bắt người vay phải kê khai 5-10 số điện thoại của người liên quan. Khi người vay không trả nợ đúng hạn, các công ty này cử người liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối và đe dọa từ người vay đến những người liên quan để đòi nợ.

Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2018, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng – 18006838 đã tiếp nhận 90 cuộc gọi phản ánh của người tiêu dùng với nội dung như trên. 

Người tiêu dùng hoàn toàn có thể khiếu kiện

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nếu gặp các trường hợp bị đòi nợ “nhầm” như trên, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khiếu kiện. Tuy vậy, để làm được điều này, trước hết, người tiêu dùng phải xác định được tên của đơn vị liên quan.

Trong trường hợp nhân viên liên hệ đòi nợ không cung cấp hoặc không nói rõ tên của đơn vị chủ quản khoản nợ, người tiêu dùng cần tìm cách nói chuyện, trao đổi để có thể xác định được tên của đơn vị liên quan.

“Chỉ khi có được thông tin của đơn vị này, người tiêu dùng mới có cơ sở để khiếu nại tới các cơ quan quản lý, từ đó các cơ quan quản lý có cơ sở để liên hệ và hỗ trợ người tiêu dùng”, đại diện Bộ Công thương hướng dẫn.

Cũng theo khuyến cáo của đơn vị này, trong quá trình trao đổi với nhân viên liên hệ, người tiêu dùng cần chủ động đề nghị nhân viên xác nhận lại thông tin về việc thu hồi nợ nhầm đối tượng.

Trên cơ sở xác định chính xác tên của đơn vị chủ quản khoản nợ, người tiêu dùng có thể tiếp tục liên hệ (thông qua điện thoại hoặc qua email) để đề nghị đơn vị này tiếp nhận và giải quyết vấn đề của người tiêu dùng. 

Trường hợp đã thông báo, đề nghị nhưng vẫn tiếp tục bị gọi điện quấy rối, người tiêu dùng có thể thực hiện khiếu nại về hành vi nêu trên tới Cục CT&BVNTD. Nội dung khiếu nại cần cung cấp số điện thoại, họ tên của người tiêu dùng; tên của đơn vị liên quan và tóm tắt nội dung vụ việc của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng có thể gửi khiếu nại tới Cục thông qua email [email protected] hoặc liên hệ Tổng đài 1800.6838 để được tư vấn và hỗ trợ./.

Ngân hàng “đẩy” tín dụng sang công ty tài chính là rủi ro của nền kinh tế
Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), TS. Lê Xuân Nghĩa và nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư