Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dọn dẹp tài khoản rác, ngân hàng phân loại chủ tài khoản đáng ngờ, khách hàng hưởng lợi
T.L - 18/05/2023 16:39
 
Các ngân hàng đang phân loại tài khoản theo mức độ sạch, cài đặt hạn mức đối với các tài khoản nghi ngờ. Còn nhiều tiện ích khác mà khách hàng hưởng lợi khi ngân hàng được khai thác “dầu mỏ” dữ liệu dân cư.
Các ngân hàng đang nhanh chóng làm sạch dữ liệu khách hàng, đẩy mạnh chuyển đổi số

Dọn dẹp tài khoản rác, ngân hàng đang cài đặt hạn mức với tài khoản đáng ngờ

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư vào hoạt động của mình.

Mặc dù ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số nhiều năm nay, song nếu không có kho dữ liệu sạch, chính xác, ngân hàng cũng sẽ khó tự tin đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ số. Cơ sở dữ liệu dân cư được coi là kho vàng, kho “dầu mỏ” mới, là nguồn tài sản vô giá với các ngân hàng.

“Ngành ngân hàng có 2 loại tài sản lớn, một loại đang được sử dụng rất hiệu quả là tiền và một loại chưa được khai thác hết công suất, đó là dữ liệu. Dữ liệu là một loại tài nguyên mới, có người gọi là “dầu mỏ”. Ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu nhất, dữ liệu này đang được tăng lên từng ngày. Ngành Ngân hàng “canh tác” trên mảnh đất mới này thì sẽ tạo ra rất nhiều giá trị mới cho đất nước. Dữ liệu được đánh thức cũng giống như con hổ được đánh thức sẽ tạo ra những đột phá cho ngành Ngân hàng, trở thành ngành đi đầu trong phân tích dữ liệu lớn”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.

Lãnh đạo Vietinbank cho hay, dữ liệu hiện tại của các ngân hàng không hoàn toàn sạch nên có nhiều điểm còn bất cập như: với giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân, giao dịch viên khó phát hiện giả mạo bằng mắt thường. Có những trường hợp kẻ gian thuê nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật để mở tài khoản và sử dụng chính tài khoản đó để gian lận, phạm tội…  

Chính vì vậy, căn cước công dân gắn chop cùng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư  ra đời đã mở ra cho NH một cách thức làm sạch nhanh, rộng, hiệu quả và chính xác. VietinBank cho biết, nhờ sự phối hợp với C06 - Bộ Công An và Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, dữ liệu khách hàng tại VietinBank đang được làm sạch. Hiện nay, ngân hàng cũng phân loại tài khoản theo mức độ sạch, gắn tích  xanh tài khoản, cài đặt hạn mức đối với các tài khoản nghi ngờ.

Với các tài khoản mở mới, ngân hàng sẽ kết nối dữ liệu với C06 để đối chiếu thông tin ngay từ đầu, giúp ngân hàng có được kho dữ liệu khách hàng định danh xác thực đầy đủ. Ngoài ra, ngân hàng cũng thu thập thông tin sinh trắc học để đảm bảo tính chính xác cao nhất trong quá trình đối chiếu, định danh khách hàng. Khi làm sạch dữ liệu, để đảm bảo xác thực được chính xác khách hàng, trong quá trình giao dịch sử dụng đảm bảo người giao dịch là chủ tài khoản và tránh các trường hợp thuê mướn tài khoản, thì việc thu thập và đối chiếu thông tin sinh trắc học đóng vai trò rất quan trọng.  

Theo lãnh đạo các ngân hàng, khi dữ liệu của khách hàng được làm sạch và chuẩn hóa, ngân hàng sẽ dọn dẹp được tài khoản rác, từ đó ngăn chặn được tình trạng lừa đảo (tài khoản mở bằng giấy tờ tuy thân giả, thue emowr tài khoản…). Qua đó, sẽ tạo được niềm tin của người dân về ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thành việc xây dựng, quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 104 triệu dữ liệu công dân Việt Nam. Thời gian qua, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an làm sạch 25 triệu dữ liệu khách hàng và đang tập trung làm sạch 26 triệu dữ liệu khách hàng còn lại.

Ngân hàng tiếp cận kho “dầu mỏ” dữ liệu: người dân hưởng lợi ra sao?

Việc tiếp cận kho dữ liệu dân cư không chỉ giúp các ngân hàng làm sạch dữ liệu, quan trọng hơn là từ việc làm sạch dữ liệu sẽ giúp ngân hàng chuyển đổi mạnh mẽ hơn sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số. Hiện nay, rất nhiều ngân hàng lớn đang tiên phong thử nghiệm ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động giao dịch ngân hàng, trong đó có Agribank.

f
Chủ tịch HĐTV Agribank, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Phó thủ tướng Lê Minh Khái (lần lượt từ trái sang) tại Ngày hội Chuyển đổi số ngân hàng 18/5

Ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay, với hình thức này, khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất 01 chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay. Việc mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao.

“Trước đây, với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20-25 phút, nay khách hàng chỉ mất từ 4-5 phút để hoàn tất giao dịch nếu sử dụng thiết bị đọc và xác thực thông tin CCCD và các phần mềm hỗ trợ liên quan. Hơn nữa, các khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học, lần sau có thể giao dịch tại quầy hoặc tại Agribank Digital/CDM... mà không cần dùng thẻ vật lý hay bất kỳ loại giấy tờ nào”, ông Tơn cho biết.

Nếu ứng dụng này được triển khai chính thức, không chỉ Agribank mà hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ điện tử và 4 triệu khách hàng vay vốn của Agribank đang được hưởng lợi nhờ thủ tục, thời gian giao dịch được rút ngắn tối đa.

Tương tự, Vietcombank cũng đang tận dụng kho dữ liệu dân cư để phát triển dịch vụ, sản phẩm mới, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, với sự hỗ trợ từ cơ sở dữ liệu dân cư, ngân hàng có thể cung ứng các  giải pháp cho vay, phát hành thẻ tín dụng hoàn toàn trên môi trường điện tử. Thời gian cấp tín dụng trên môi trường điện tử thậm chí giảm xuống chỉ còn vài phút.

“Vietcombank xác định phát triển cho vay/phát hành thẻ tín dụng online sẽ là một trong những sản phẩm chính của công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới. Trên bình diện xã hội, việc đơn giản hóa các khoản vay và thẻ tín dụng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn, giúp người dân được hỗ trợ tài chính để trang trải chi phí cuộc sống, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đẩy mạnh chi tiêu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế”, bà Oanh nhận định.

Mặc dù vậy, để có thể nhanh chóng tận dụng hiệu quả từ kho dữ liệu dân cư vào hoạt động chuyển đổi số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ mới, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng, NHNN và các cơ quan khác cần điều chỉnh đồng bộ các quy định của pháp luật liên quan để phù hợp với đặc thù của cấp tín dụng trên môi trường điện tử.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư