-
Tổng công ty Điện lực miền Nam đặt mục tiêu 90 ngày đóng điện 50 công trình lưới điện
-
Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành thủ tục đầu tư Sân bay Chu Lai
-
Nhiều khuyến nghị về dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
-
Thành lập Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án
-
Sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch -
Đề xuất khôi phục cầu Mã Đà nối Bình Phước, Đồng Nai khoảng 5.130 tỷ đồng
![]() |
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, khu vực công nghiệp - xây dựng phải tăng trưởng từ 9,5% trở lên. Ảnh: Đức Thanh |
Dồn lực cho tăng trưởng
Hai ngày liên tiếp, 3 cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp công nghệ đã được tổ chức. Không chỉ các tên tuổi lớn của Việt Nam, như Vingroup, FPT, Trường Hải, BRG…, mà cả các doanh nghiệp nước ngoài, như Samsung, NVIDIA…, cũng đã góp mặt trong các cuộc gặp này.
Và cũng không chỉ dừng lại ở đây, Thủ tướng sẽ còn có các cuộc gặp với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản… để lắng nghe chia sẻ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, với một trong những mục tiêu lớn nhất là làm sao có thể huy động mọi nguồn lực cho tăng trưởng, làm sao để tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số.
“Để thực hiện điều này, rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn”, Thủ tướng đã nói như vậy hôm gặp gỡ với các doanh nghiệp tư nhân.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nói rằng, để đất nước tăng trưởng 2 con số, các địa phương, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải “đồng bộ tăng trưởng”.
Chưa bao giờ, câu chuyện “khoán tăng trưởng” lại được đề cập mạnh mẽ như hiện nay, sau khi Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu là tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%. Không chỉ “khoán tăng trưởng” cho các địa phương, Chính phủ giờ đây còn muốn “khoán tăng trưởng” cho cả các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại…
Thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, năm đặt nền móng cho việc tăng trưởng 2 con số giai đoạn tới. “Để đạt được mức tăng trưởng 2 con số, thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và chia sẻ về tầm quan trọng của khu vực doanh nghiệp với sự phát triển của nền kinh tế.
Theo đó, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước. Bởi thế, doanh nghiệp mạnh tức là nền kinh tế khỏe. “Trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thực tế, khu vực tư nhân đã làm được nhiều điều, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chẳng hạn, vừa qua, Chính phủ đề nghị Tập đoàn Trường Hải (Thaco) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, Tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, Tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn… Khi các doanh nghiệp cùng tham gia giải các “bài toán lớn” của đất nước, nền kinh tế sẽ có cơ hội tăng tốc, phát triển.
Trong khi đó, nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng là làm sao “bơm” được 2,5-3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Năm 2024, hơn 2,2 triệu tỷ đồng tín dụng đã được đưa vào nền kinh tế. Năm 2025, để thúc đẩy tăng trưởng, con số được đặt ra ở mức cao hơn.
Gặp gỡ các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ mong muốn được nghe “hiến kế” về các giải pháp để hệ thống ngân hàng có thể góp phần “làm mới” các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Tín dụng - “huyết mạch” của nền kinh tế - phải được khơi thông, thì cơ hội để tăng tốc, bứt phá mới có thể được hiện thực hóa.
Để nền kinh tế tăng tốc, bứt phá, cũng phải dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là lý do mà chiều hôm qua (11/2), Hội nghị Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được tổ chức.
“Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tinh thần quyết liệt vô cùng. Tất cả là để tập trung hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng trên 8%.
Động lực từ “giao KPI” tăng trưởng
Không chỉ là mục tiêu “phấn đấu” nữa, mà tới đây, mức tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 sẽ là mục tiêu mang tính “pháp lệnh”. Chính phủ đã chính thức có Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Đề án này đã được thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây và sẽ được đệ trình lên Quốc hội tại kỳ họp bất thường, dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 19/2/2025.
Theo kịch bản tăng trưởng được Chính phủ đưa ra, để tăng trưởng GDP trên 8%, khu vực công nghiệp - xây dựng phải tăng trưởng từ 9,5% trở lên; khu vực dịch vụ tăng trưởng trên 8,1%; còn khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng trên 3,9%. Điều đó có nghĩa, các khu vực kinh tế phải có mức tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7 - 1,3 điểm phần trăm so với năm 2024. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Đề án của Chính phủ, do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng đã chỉ rõ, các động lực tăng trưởng bao gồm: tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD). Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, đầu tư nước ngoài khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD.
Để thúc đẩy tăng trưởng, sẽ buộc phải dồn lực triển khai, thực hiện hiệu quả các động lực tăng trưởng này, cả đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, cũng như các động lực tăng trưởng mới, trong đó đặc biệt là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Con số như trong Đề án đã lên tới 875.000 tỷ đồng, giải ngân được 95% như mục tiêu sẽ hỗ trợ lớn cho tăng trưởng.
“Tiền đã có, địa chỉ cũng đã có, việc còn lại là nỗ lực để giải ngân”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ.
Cùng với đó, quan trọng không kém là phải phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TP.HCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước…
Trên thực tế, từng mức mục tiêu tăng trưởng cụ thể đã được Thủ tướng Chính phủ “khoán” về các địa phương, tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025. Theo đó, nhiều địa phương được giao GRDP 2 con số như Bắc Giang 13,6%, Thanh Hóa 11%, Đà Nẵng 10%, Quảng Ninh 12%. Riêng Hà Nội và TP.HCM - hai đầu tàu kinh tế của cả nước - được giao tương ứng là 8% và 8,5%...
Việc “giao KPI” tăng trưởng cho từng địa phương, có thể nói, sẽ tạo ra áp lực và động lực lớn hơn cho các địa phương trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung. Và thực tế là, hiện nay, các địa phương đều đang nỗ lực để làm sao hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Chúng tôi đã triển khai sớm, nhanh, quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nói và cho biết, để đạt mức tăng trưởng 2 con số, TP.HCM đã yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải bắt tay ngay vào việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng, huy động vốn, giải ngân vốn…
Năm 2025, TP.HCM có tổng nguồn lực 110.000 tỷ đồng, bao gồm cả vốn còn lại của năm 2024. Thành phố phấn đấu giải ngân trong quý I đạt 10-12%, quý II đạt 30-33%, cả năm đạt 95%.
Ngoài những nỗ lực này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, điều kiện để đạt mức tăng trưởng trên 8% còn là có tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để.
Bên cạnh đó, hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn... Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết, cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Rất nhiều việc cần phải làm để nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng trên 8%. “Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Tức là tất cả các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm triển khai ở mức độ cao hơn, thậm chí gấp đôi so với trước đây. Nói một cách đơn giản, mỗi cá nhân, mỗi đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi so với hiện tại thì mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mới”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Một là, phải thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hai là, tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Ba là, khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội.
Bốn là, thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.
Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế; phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Sáu là, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất những mặt hàng trong nước có thế mạnh, có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước.
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
![](https://media.baodautu.vn/thumb_x235x140/Images/thuyvinh/2025/02/12/viet-nam-tro-thanh-cuc-tang-truong-moi-gdp-tang-tren-8-khong-phai-giac-mo-xa-voi1739351131.jpg)
-
Tổng công ty Điện lực miền Nam đặt mục tiêu 90 ngày đóng điện 50 công trình lưới điện
-
Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành thủ tục đầu tư Sân bay Chu Lai
-
Nhiều khuyến nghị về dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
-
Thành lập Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án
-
Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng trên 8% -
Nghiên cứu rút ngắn quy trình thẩm định dự án PPP không kéo dài quá 2 tuần -
Sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch -
Đề xuất khôi phục cầu Mã Đà nối Bình Phước, Đồng Nai khoảng 5.130 tỷ đồng -
Lãng phí ngàn tỷ từ các dự án hạ tầng chậm tiến độ - Bài 3: Gấp rút “giải cứu” -
Bình Định dành hơn 3.200 tỷ đồng để nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát -
Khơi thông cơ chế liên kết "3 nhà" tại các dự án PPP giao thông
-
Động lực phát triển kinh tế từ những công ty bảo hiểm nhân thọ "made in Vietnam"
-
Tháng 1 năm 2025, TKV sản xuất gần 3 triệu tấn than
-
Cơ hội nào cho các công ty bảo hiểm nhân thọ "made in Vietnam"?
-
EVNGENCO1 đã đảm bảo sản xuất điện an toàn, ổn định trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
-
VietinBank triển khai loạt ưu đãi với Gói sản phẩm kiều hối
-
Petrolimex Aviation kickoff dự án ISCC