Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 12 tháng 02 năm 2025,
Chính thức trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP, CPI, có thể tăng bội chi
Nguyễn Lê - 12/02/2025 08:53
 
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình - Ảnh CTV.

Sáng 12/2, trong phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, của Quốc hội Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên (Đề án).

Năm 2025, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, có thể tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta, Bộ trưởng nêu dự báo.

Thuận lợi, thời cơ được Bộ trưởng đề cập là tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc. Sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng và toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế. Sự kế thừa, phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được trong phát triển KTXH năm 2024.

Thuận lợi tiếp theo là niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế nước ta; cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, nhất là những ngành, nghề mới nổi nhờ vào vị thế của nước ta đã được xác lập trên bản đồ công nghiệp bán dẫn, khởi nghiệp sáng tạo… toàn cầu.

Khó khăn, thách thức là tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, rủi ro gia tăng ; xu hướng phân tách, phân cực ngày càng rõ nét. Sức ép cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu và trong nước; các nước lớn gia tăng hàng rào thương mại, thuế quan; các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số… tác động, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.

Trong khó khăn, thách thức, cũng có những thời cơ mới có thể xuất hiện, chúng ta cần chủ động nắm bắt, khai thác tối đa mọi cơ hội, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm nay, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, tăng trưởng GDP cả nước cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi NSNN lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như Chính phủ trình.

Với các chỉ tiêu được điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 1/2025 tăng 3,07%, cao hơn bình quân chung năm 2023 (2,71%), cho thấy áp lực lạm phát là đáng kể.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đề xuất này là cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ kế hoạch sử dụng số bội chi, nợ công tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh; đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công; quyết liệt điều hành để bảo đảm bội chi, nợ công trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 159/2024/QH15, chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. 

Ông Thanh cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng mới . Theo cơ quan thẩm tra, đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng, với số vốn được phân bổ gần 890.000 tỷ đồng, nên cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công. Chính phủ cần bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư là khâu yếu kéo dài nhiều năm và đặc thù năm 2025 tăng cường chính sách tài khóa, vốn đầu tư công bố trí ở mức cao, nhiều dự án trọng điểm hoàn thành hoặc chuẩn bị đầu tư. Cùng với đó, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn công phải thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, để “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, theo Ủy ban Kinh tế.

Liên quan tới chính sách tiền tệ, tài khóa, cơ quan thẩm tra lưu ý bổ sung các chính sách cụ thể về tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa.

“Chính phủ phải làm rõ quy trình, thủ tục đầu tư và cơ chế xử lý khi có vướng mắc, rà soát tổng thể về hệ thống quy hoạch và cơ chế xử lý khi có vướng mắc, mâu thuẫn giữa các quy hoạch, tạo thuận lợi và giảm chi phí tiếp cận đất đai”, ông Thanh nêu.

Trước rủi ro thuế quan của các đối tác lớn, Việt Nam cần khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký, sớm ký kết các hiệp định thương mại tự do đối với các thị trường mới, có tiềm năng. Việc này nhằm mở thêm thị trường mới, thị trường ngách, minh bạch chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu để giảm thiểu nguy cơ bị áp thuế; chủ động ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Theo nghị trình, cuối giờ chiều 14/2, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư